Munchkin là giống mèo nhà có tứ chi rất ngắn do gen đột biến tự nhiên. Được phát hiện ở Anh khoảng những năm 1940s, giống mèo này được duy trì và lai tạo ở nhiều thời điểm, nhiều nơi trên thế giới (Liên Xô, Mỹ…) trong các năm sau đó. Nhưng tới tận năm 2003, giống mèo này mới được Hiệp hội mèo quốc tế (TICA) công nhận chính thức. Trong khi đó nhiều tổ chức đăng ký mèo khác như Hiệp hội những người yêu mèo Hoa Kỳ (CFA) lại không chấp nhận giống mèo này do các tranh cãi về sức khỏe và đạo đức nhân giống.
Tuy còn gây nhiều tranh luận, nhưng giống mèo Munchkin chân ngắn luôn là bạn đồng hành dễ thương, gây thích thú cho chủ bằng những trò hài hước như rượt theo đồ chơi, ngồi thẳng trên 2 chân sau như một con thỏ. Trong bài viết này, Dogily.vn sẽ giới thiệu các thông tin về nguồn gốc, đặc điểm, cách chăm sóc và những bệnh thường gặp, xem những chú mèo chân ngắn đáng yêu này có phù hợp với gia đình bạn không nhé.
Thông tin tóm tắt giống mèo Munchkin chân ngắn
- Cân nặng: tới 4kg
- Chiều dài: tới 45,72cm
- Xuất xứ: vương quốc Anh, Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.
- Bộ lông: chấp nhận cả mèo Munchkin lông ngắn và dài. Mức độ rụng lông vừa phải.
- Màu lông: đầy đủ các màu sắc của mèo nhà. Từ các màu đơn sắc như: xám xanh, đen, trắng, nâu socola, lilac, fawn, cinnamon… cho đến hoa văn: golden, silver, tabby, bicolor, tam thể, đồi mồi…
- Màu mắt: vàng đồng, cam, xanh lục, xanh lam… và độc đáo với 2 màu mắt (mỗi bên mắt 1 màu khác nhau)
- Dị ứng: có tác dụng với người bị dị ứng lông mèo.
- Tính cách: Rất thông minh, ngọt ngào, tình cảm. Thân thiện, hòa đồng với trẻ em và vật nuôi khác. Mức năng lượng cao nên chúng luôn năng động, vui vẻ, ưa vận động. Không hay kêu hoặc gây ồn ào (trừ trường hợp mèo Munchkin cái gào đực)
- Tên gọi khác: mèo lùn, mèo chân ngắn, mèo chân ngắn tai cụp, mèo Munchkin chân ngắn, mèo Napoleon, mèo xúc xích, mèo Corgi…
- Tuổi thọ: tới 15 năm.
Nguồn gốc, lịch sử mèo chân ngắn
Gen chân ngắn ở mèo Munchkin là hoàn toàn là tự nhiên, không được lai tạo hay sàng lọc bởi con người, cũng không phải là một khuyết tật (lùn, dị dạng) hay sản phẩm giao phối cận huyết. Giống như ở loài chó (Corgi, Lạp xưởng, Basset Hound), lửng, chồn, rái cá, sóc, gấu trúc… có chân ngắn do tiến hóa tự nhiên để giúp chúng sinh tồn. Năm 1944, trong một báo cáo thú y ở Anh của Tiến sĩ HE Williams-Jones đã ghi nhận bốn thế hệ mèo chân ngắn (trong đó có một con mèo chân ngắn cái màu đen 8 tuổi sống rất khỏe mạnh, điểm khác biệt duy nhất giữa chúng và mèo nhà thông thường là chân ngắn). Nhưng dòng mèo chân ngắn này đã biến mất trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Năm 1956, nhà nghiên cứu Max Egon Theil đến từ Hamburg (Đức) viết trên tờ Zoologischer Anzeiger (Tạp chí động vật học so sánh) rằng ông đã nhìn thấy một chú mèo chân ngắn ở Stalingrad (Liên Xô) vào năm 1953. Ở Hoa Kỳ, những chú mèo chân ngắn cũng được ghi nhận ở New England những năm 1970 và Louisiana những năm 1980.
Năm 1983, Sandra Hochenedel, một giáo viên âm nhạc ở thị trấn Rayville (Louisiana, Hoa Kỳ) tìm thấy một con mèo chân ngắn đang mang thai trốn dưới gầm xe tải và đem về nuôi, đặt tên là Blackberry. Các lứa con của Blackberry sau này thường có một nửa là mèo chân ngắn. Sandra Hochenedel đã tặng cho bạn mình là Kay LaFrance ở thành phố Monroe (Louisiana) một con mèo chân ngắn đực (tên là Toulouse, con của Blackberry). Toàn bộ mèo Munchkin chân ngắn hiện đại đều có nguồn gốc từ Blackberry và Toulouse.
Tên gọi Munchkin của giống mèo này bắt nguồn từ cuốn sách nổi tiếng The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz) của nhà văn người Mỹ L. Frank Baum năm 1900 được chuyển thể thành phim năm 1939. Trong cuốn sách có nhắc đến vùng đất Munchkinland ở xứ Oz, nơi có những người lùn Munchkin bản xứ (chỉ cao bằng một đứa trẻ 9, 10 tuổi).
Được giới thiệu với công chúng lần đầu tiên năm 1991, trong một triển lãm mèo được truyền hình toàn quốc được Hiệp hội mèo quốc tế (TICA) tổ chức ở thành phố Davis, tiểu bang Oklahoma (Hoa Kỳ). Mặc dù vậy, giống mèo này vẫn chưa được công nhận chính thức. Những người phản đối cho rằng giống mèo chân ngắn này có thể gặp các vấn để sức khỏe ở lưng, hông và chân giống một số giống chó chân ngắn như Dachshund và Corgi. Mọi chuyện trở nên thuận lợi hơn khi Solveig Pflueger, một nhà di truyền học, bác sĩ y khoa, giám khảo xuất sắc nhất của TICA (1992), đồng thời là chủ tịch Ủy ban di truyền của TICA rất tích cực ủng hộ sự công nhận giống mèo Munchkin. Bản thân bà cũng trực tiếp lai tạo mèo chân ngắn từ 2 con mèo của Sandra Hochenedel.
Đến tháng 9/1994, hai nhà nhân giống là Laurie Bobskill và Robert Bobskill ở Massachusetts đã đề xuất công nhận giống mèo Munchkin và được TICA chấp nhận đưa mèo Munchkin vào chương trình phát triển giống mới của mình dưới sự giám sát của Ủy ban Di truyền TICA. Những tranh cãi đến lúc này vẫn tiếp diễn, giám khảo kỳ cựu Katherine Crawford đã từ chức để biểu thị sự phản đối và gọi việc phát triển giống mới này là “sự xúc phạm đến những người nhân giống có đạo đức”. Từ tháng 5/2003, mèo Munchkin đạt tư cách tham gia TICA Championship (dành cho mèo có phả hệ).
Ngày nay, ngoài TICA, mèo Munchkin còn được Hội đồng mèo Nam Phi, Liên đoàn mèo Australia, Liên đoàn mèo thế giới (World Cat Federation,WCF) và Catz Incorporated của New Zealand công nhận chính thức. Trong khi đó các tổ chức đăng ký mèo khác như Liên đoàn mèo quốc tế (Fédération Internationale Féline, FIFé) và Hội đồng quản lý của những người yêu mèo vương quốc Anh (The Governing Council of the Cat Fancy, GCCF), Hiệp hội những người yêu mèo Hoa Kỳ (CFA, The Cat Fanciers’ Association) không công nhận giống mèo mới này cũng như giống mèo tai cụp Scottish Fold do vấn đề sức khỏe di truyền liên quan đến chứng loạn sản xương sụn.
Gen gây ra chân ngắn của giống mèo Munchkin là một gen trội trên nhiễm sắc thể thường. Gen này không liên quan đến giới tính của mèo, và mèo con có thể được thừa hưởng gen từ bố hoặc mẹ, hoặc từ cả hai. Tuy nhiên, nếu mèo con được nhận gen này từ cả bố và mẹ sẽ bị chết ngay từ khi còn là phôi thai. Vì vậy, chỉ được cho mèo Munchkin phối giống với mèo nhà thông thường. Tuyệt đối không được cho phối 2 con mèo Munchkin cùng chân ngắn với nhau. Mèo con sinh ra từ cặp mèo Munchkin/mèo nhà thông thường có thể có chân ngắn hoặc không (tỷ lệ cơ hội như nhau). Và chỉ có những con mèo sinh ra có chân ngắn mới mang gen chân ngắn, những mèo con bình thường thì không.
Tiêu chuẩn giống của TICA chỉ cho phép lai mèo Munchkin với mèo nhà lông dài hoặc lông ngắn không thuộc một giống mèo đã được công nhận. Nếu mèo Munchkin lai với các giống được công nhận rồi chỉ được coi là biến thể chân ngắn của giống mèo được công nhận đó. Ví dụ: mèo Munchkin chân ngắn lai với mèo Anh lông ngắn sẽ ra mèo Anh lông ngắn chân ngắn, hay lai với mèo tai cụp Scottish sẽ ra mèo Scottish chân ngắn, lai với mèo Sphynx sẽ rạo ra mèo Sphynx chân ngắn…
Ngày 19/7/2013, chú mèo Munchkin tên Lilieput được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận là chú mèo lùn nhất thế giới với chiều cao chỉ 13,34cm
Đặc điểm ngoại hình
Giống mèo Munchkin có chiều dài lông, màu sắc và hoa văn cực kỳ đa dạng, phong phú với cả lông ngắn và dài, cùng đầy đủ các màu và họa tiết có ở mèo nhà. Đôi khi, mèo chân ngắn được cho phối với các giống mèo khác để có được những đặc điểm, tính trạng mong muốn nhất định. Nhưng mèo Munchkin chân ngắn là một giống riêng biệt, độc đáo chứ không phải là phiên bản chân ngắn thu nhỏ của bất kì giống mèo nào khác (như mèo Ba Tư chân ngắn, mèo Xiêm chân ngắn..).
Mèo Munchkin cả lông ngắn và dài đều có bộ lông mềm mại, thích hợp với các điều kiện thời tiết khác nhau. Giống mèo này có kích thước từ nhỏ tới trung bình với trọng lượng từ 2,268-4,082kg khi trưởng thành. Bộ ngực rộng, cơ bắp săn chắc, cổ dày. Phần đuôi có chiều dài vừa phải, lớn ở gốc và thuôn dần, chóp đuôi có hình tròn. Gốc tai cũng rộng và tròn ở đỉnh, mắt mèo Munchkin đầy biểu cảm với đủ các màu sắc ở loài mèo như vàng đồng, cam, xanh lục, xanh làm và thậm chí là mắt lẻ (2 màu mắt).
Ngoại trừ đôi chân ngắn, mèo Munchkin không có khác biệt gì so với bất kì chú mèo nhà bình thường nào khác. Đôi chân ngắn do đột biến làm cho xương chân bị ngắn lại, giống như ở Corgi và Lạp xưởng nhưng do cấu trúc xương sống của mèo khác với chó. Vì thế cho nên, chân ngắn không gây ra các vấn đề về xương sống ở giống mèo này như hay gặp ở loài chó. Nếu nhìn mèo chân ngắn Munchkin chơi đùa, rượt đuổi hay bẻ cua gấp khúc, mọi lo lắng của bạn về khả năng đi lại của chúng sẽ tan biến nhanh chóng.
Một đặc điểm nổi bật của Munchkin là đôi chân ngắn, khỏe và cơ bắp, với đôi chân sau có thể cao hơn đôi chân trước một chút.
Tứ chi chắc khỏe, cơ bắp, hai chân sau thường cao hơn so với chân trước. Chiều dài chân của mèo Munchkin cũng khác nhau, có thể được phân loại như sau
- Tiêu chuẩn: chỉ ngắn hơn mèo nhà thông thường đôi chút.
- Siêu ngắn: chân của Munchkin sẽ ngắn hơn mèo thường khoảng 5-7,5cm.
- Loại ôm thảm: có chân cực ngắn, gần như sát đất như chú mèo Lilieput nói trên.
Về tính cách
Mèo Munchkin ưa vận động và rất thích chơi đùa, chạy nhảy, rượt bắt và chơi đồ chơi. Chúng cũng hòa đồng và thích làm bạn với trẻ em, chó và những vật nuôi khác trong nhà. Giống mèo này cũng rất hay tò mò và thường nhổm lên ngồi bằng 2 chân sau như người hoặc thỏ để quan sát rõ hơn sự vật, hiện tượng mà chúng đang chú ý. Chúng không bỏ sót khi khám phá mọi ngóc ngách trong nhà bạn. Chân ngắn nhưng chúng có những bước nhảy điêu luyện và khôn ngoan khi luôn đến đích bằng con đường ngắn nhất. Nếu đã lỡ phải lòng với Munchkin, tình yêu này sẽ mãi giữ trọn trong trái tim yêu thương của bạn.
Bạn cần huấn luyện xã hội hóa cho mèo ngay từ nhỏ, cho mèo tiếp xúc với nhiều cảnh vật, âm thanh, nhiều người và vật nuôi khác nhau. Những kỹ năng sống được tích lũy sẽ giúp mèo có hành vi tốt (không quá nhút nhát hay hung dữ) để trở thành một em mèo Munchkin trưởng thành toàn diện cả về thể chất và tính tình.
Cách nuôi và chăm sóc mèo Munchkin
Như Dogily đã đề cập ở trên, khi nuôi mèo Munchkin quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ cây mèo, đồ cào móng và đồ chơi cho mèo vui đùa, chạy nhảy. Do bản tính tò mò và thân thiện, Munchkin sẽ tham gia vào hầu hết các hoạt động của gia đình, từ việc của chủ nhân cho đến mọi động thái của những người bạn bốn chân khác trong nhà. Về vệ sinh và chải chuốt hay tập thể dục, giống mèo này không đòi hỏi sự chăm sóc nào quá đặc biệt. Tuy vậy, chúng luôn cần sự quan tâm, chú ý của bạn và mọi người trong gia đình.
Vệ sinh và chải lông
Dù là mèo Munchkin lông ngắn hay dài, chúng đều cần được chải lông hàng tuần, có khác chăng dòng lông dài cần được chải tỉ mỉ hơn. Bản thân mèo cũng thường xuyên tự làm sạch bằng lưỡi, tuy nhiên có một số vùng trên cơ thể mèo không thể với tới được cần sự hỗ trợ thêm từ bạn khi chải lông. Việc chải lông sẽ loại bỏ lông gãy, rụng, giúp bộ lông không bị bết, xơ rối, vón cục.
Không cần tắm thường xuyên cho mèo, trừ khi chúng quá bẩn hoặc dính bùn đất, 1-2 tháng tắm cho mèo 1 lần là đủ. Cắt móng cho mèo 2 lần/tháng, lưu ý không cắt phạm vào phần chân móng màu hồng làm mèo bị chảy máu. Giữ vệ sinh tai, mắt cho mèo luôn sạch sẽ, lau ráy tai, ghèn rỉ, dịch nhờn và bụi bẩn bằng bông và nước vệ sinh chuyên dùng cho chó mèo. Nếu phát hiện các dấu hiệu ve rận, nhiễm trùng, mẩn đỏ, ghẻ ngứa, chải dịch có mùi hôi hay mắt bị vằn đỏ… cần liên hệ ngay bác sĩ thú y để được hỗ trợ, tư vấn. Đánh răng cho mèo hàng ngày hoặc tối thiểu 2,3 lần/tuần để loại bỏ cao răng, vi khuẩn ngăn ngừa các bệnh răng miệng và mùi hôi.
Vận động, huấn luyện & tập thể dục
Là giống mèo thông minh, Munchkin rất ham học hỏi. Bạn có thể huấn luyện mèo đi dao với dây dắt, chơi nhặt và bắt bóng, rượt cần câu mèo lông gà hay đèn lade cũng như biểu diễn các trò tương tác với chủ vui nhộn (giải đố, tìm đồ vật…). Phương pháp huấn luyện tích cực (khen ngợi, đồ ăn…) bằng clicker đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều quan trọng nhất là sự kiên trì và nhất quán trong việc huấn luyện mèo.
Giống mèo này không gặp khó khăn gì khi chạy xung quanh nhà, nhưng với môn nhảy cao, chúng không thể so được với những người anh em mèo chân dài của mình. Mặc dù vậy, chúng rất hiếu động và thích leo trèo, nhảy nhót. Vì vậy, bạn cần sắp xếp đồ vật, độ cao của cây mèo (Cat Tree) trong không gian sinh hoạt của mèo có độ cao hợp lý, an toàn.
Mèo Munchkin không cần tập luyện thể dục đặc biệt hay vận động nặng. Việc được chơi đùa với chủ và chạy nhảy loanh quanh đã đủ nhu cầu vận động thể chất và kích thích tinh thần mỗi ngày của mèo rồi.
Munchkin rất thích chơi với chó mèo khác, việc này cũng giúp mèo vận động một cách thoải mái. Tuy nhiên cần lưu ý giám sát để mèo cưng của bạn không bị lây bệnh từ những con mèo, vật nuôi khác, hoặc bị chấn thương do đánh nhau, tai nạn. Nếu không có ý định nuôi mèo Munchkin sinh sản, bạn nên triệt sản cho mèo từ khoảng sau 1 năm tuổi (nếu triệt sản sớm hơn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tính cách của mèo).
Mèo Munchkin ăn gì tốt nhất?
Chế độ dinh dưỡng của mèo chân ngắn không có gì đặc biệt so với các giống mèo nhà khác. Khung xương và trọng lượng của giống mèo này không bị ảnh hưởng nhiều do chân ngắn. Vì vậy, nếu cho mèo ăn quá nhiều sẽ dẫn đến bị thừa cân, tạo ra áp lực lớn hơn cho tứ chi ngắn ngủn của chúng. Ngoài ra, mèo bị béo phì cũng sẽ dẫn đến bị các bệnh cơ hội khác như tiểu đường, tim mạch hay xương khớp. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tuổi thọ của mèo Munchkin. C
Chúng tôi khuyên bạn nên cho mèo Munchkin ăn các sản phẩm thức ăn hạt khô/mềm được đóng gói sẵn. Trong thành phần của hạt đã được các nhà sản xuất thiết kế đầy đủ hàm lượng, tỷ lệ dinh dưỡng theo từng độ tuổi và từng giống mèo. Bạn nên đọc kỹ thướng dẫn sử dụng có ghi trên bao bì để cho mèo ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho mèo ăn thêm đồ ăn vặt như pate, súp thưởng, xúc xích… Lưu ý: tổng lượng thức ăn mỗi ngày không được vượt quá tiêu chuẩn calo cho phép, nếu cho mèo ăn vặt, bạn cần điều chỉnh giảm khối lượng bữa chính hoặc tăng cường thêm vận động cho mèo.
Nếu bạn rảnh rỗi và muốn dành tình yêu thương cho mèo cưng. Thi thoảng bạn có thể luộc thịt (heo, gà, bò…), cá (các loại cá biển như: cá hồi, cá nục, cá thu…) rồi xé nhỏ, lọc xương cho mèo ăn. Hoặc bạn có thể tham khảo các công thức tự nấu Pate cho mèo ăn có rất nhiều trên internet.
Lưu ý khi cho mèo chân ngắn ăn:
- Không để đồ ăn thừa lưu cữu cả ngày, mèo sẽ ăn liên tục không kiểm soát dẫn đến thừa cân. Hoặc đồ ăn để lâu dễ bị ôi thiu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mèo. Sau khi mèo ăn xong phải lấy ngay thức ăn thừa đi.
- Cung cấp nước uông sạch cho mèo 24/24. Giữ vệ sinh đồ dùng ăn uống của mèo luôn sạch sẽ, tiệt trùng.
- Tuyệt đối không cho mèo ăn đồ ăn của người có chứa gia vị (tiêu, hành, tỏi, ớt, mắm, muối, rau thơm…), chất kích thích (rượu bia, cafe, cacao, socola…). Hạn chế, cho mèo ăn tinh bột (cơm, cháo…) ở mức độ vừa phải, mèo là loài ăn thịt nên chúng sẽ khó hấp thu, tinh bột còn làm mèo dễ tích mỡ, béo phì.
- Khi cho mèo Munchkin ăn thức ăn mới, cần phải đổi dần dần. Với tỷ lệ trộn thức ăn mới tăng dần cùng với đồ ăn cũ. Không thay đổi thức ăn mới hoàn toàn đột ngột, hệ tiêu hóa của mèo sẽ khó thích nghi nhanh và dễ dẫn đến bị tiêu chảy, khó tiêu.
Sức khỏe và các bệnh thường gặp.
Nhìn chung, mèo Munchkin chân ngắn là giống mèo tương đối khỏe mạnh. Nếu được chăm sóc tốt, chúng có thể sống tới 15 năm hoặc hơn. Mặc dù vậy, như bất kì chú mèo nào, hay giống mèo nào khác, chúng cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe nhất định. Và cũng không phải chú mèo Munchkin nào cũng có thể mắc 1 trong các bệnh di truyền phổ biến ở loài mèo này được Dogily liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ trước khi ra quyết định có nên mua mèo chân ngắn về nuôi hay không. Sau đây là các bệnh thường gặp ở mèo Munchkin để bạn tham khảo:
- Bệnh viêm khớp.
- Các vấn để về tim mạch, chủ yếu là chứng cơ tim phì đại.
- Các bệnh về thận và tiết niệu, bệnh tiểu đường.
- Các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
- Các bệnh về mắt: gồm có: đục thủy tinh thể, teo võng mạc tiến triển, khô mắt (viêm giác, kết mạc…). Nhẹ có thể gây khó chịu, giảm thị lực của mèo, nếu để lâu và không điều trị kịp thời một số có thể bị mù lòa.
- Nhóm các bệnh về răng miệng
Theo công bố của Hiệp hội mèo quốc tế (TICA), gen chân ngắn không ảnh hưởng hoặc làm suy yếu đến sự phát triển và sức khỏe của mèo Munchkin. Gen chân ngắn chỉ làm xương chân ngắn hơn chứ không ảnh hưởng đến cột sống hay các cấu trúc xương khớp khác trên cơ thể. TICA cũng cho rằng, mèo Munchkin không có nguy cơ bị viêm khớp, hay khó đi lại hơn các giống mèo khác, nếu có bị thì đây là vấn đề sức khỏe có thể xảy ra ở bất kì giống mèo, độ tuổi nào). Chân ngắn ở mèo không gây ra các vấn đề tổn thương cột sống và khung xương như ở chó do kích thức nhỏ bé hơn.
Lưu ý tiêm phòng, tẩy giun định kì cho mèo theo lịch hướng dẫn của bác sĩ. Hàng năm, cho mèo đi khám sức khỏe định kì để tầm soát các bệnh nguy hiểm có thể gặp. Tập cho mèo làm quen với việc khám, chữa bệnh (tiêm, uống thuốc…) để mèo không bị kích động, hoảng sợ nếu phải điều trị khi trưởng thành.
Giá mèo Munchkin bao nhiêu tiền?
Nhìn chung mèo chân ngắn tại Việt Nam thường có giá cao hơn so với các giống mèo cảnh khác. Giá mèo Munchkin chân ngắn con dao động từ 5-6 triệu trở lên cho những màu phổ biến (xám xanh, xám tro, bicolor, tabby…) và mèo có “nhan sắc” bình thường, chân tương đối cao.
Giá mèo Munchkin phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là ngoại hình, nguồn gốc. Cụ thể:
- Mèo có chân càng ngắn giá càng cao. Trong cùng một đàn các bé mèo Munchkin con bụ bẫm, mặt tròn đẹp, hoa văn cân đối, màu đẹp lạ (golden, silver, lilac, fawn, cinnamon…) sẽ có giá bán đắt hơn so với những anh em bình thường, còi cọc, không xinh bằng hay thậm chí là bị bệnh, nấm, ghẻ, ve rận, tật lỗi…
- Mèo chân ngắn lai giá rẻ có giá chỉ 2-5 triệu đồng (rẻ nhất là mèo Munchkin lai mèo ta), trong khi đó mèo Munchkin nhập khẩu có thể có giá lên tới hàng nghìn usd. Mèo Munchkin có giấy tờ của các Hiệp hội mèo đương nhiên sẽ có giá bán cao hơn so với mèo không giấy với chất lượng ngoại hình, tính cách tương đương nhau.
Ngoài ra, giá mèo Munchkin chân ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: tuổi tác (mèo Munchkin con thường đắt hơn mèo trưởng thành hơn 1 tuổi, ngoại trừ đó là mèo giống được chọn lọc), mèo đực rẻ hơn cái (do mèo Munchkin cái có khả năng sinh sản), chế độ bảo hành (ngắn hay dài hạn, bảo hành những bệnh gì), uy tín của người bán (mèo của một nhà nhân giống uy tín giá sẽ cao hơn của hộ nuôi gia đình, cá nhân), điều kiện giao nhận, hậu mãi (tư vấn, chăm sóc, phụ kiện tặng kèm…)
Nếu khi tìm mua mèo Munchkin trên các trang rao vặt như chợ tốt, én bạc, rồng bay… hay các nền tảng mạng xã hội khác, bạn gặp các tin rao bán mèo Munchkin chân ngắn giá rẻ 100k, 200k, 300k, 500k đến dưới 1, 2 triệu đồng thì nên cẩn thận khi giao dịch. Vì đó chắc chắn là lừa đảo, hay bán mèo bị bệnh, tật lỗi. Với số tiền trên chỉ đủ tiêm 2,3 mũi vacxin, tẩy giun cho mèo, không thể bù được chi phí nuôi mèo giống bố mẹ, phối giống, chăm mèo mẹ mang thai, sinh sản, nuôi mèo con …trong suốt 5, 6 tháng được.
Nơi để nhận nuôi hoặc mua một chú mèo Munchkin
Bạn có thể tìm mua mèo Munchkin thuần chủng từ các nhà nhân giống ở quanh khu vực của mình tại Tphcm, Hà nội và các thành phố lớn khác. Đến trực tiếp tận nơi để xem mèo bố mẹ, mèo con về ngoại hình, tính cách, thông tin về sức khỏe, nhân giống. Chỉ quyết định mua mèo chân ngắn con khi đã tìm hiểu kỹ và có đầy đủ thông tin.
Nếu ở xa, bạn cũng có thể mua mèo online qua mạng xã hội (tìm kiếm các trang rao vặt như Chợ Tốt, Chợ Pet trên Google, Facebook, Tiktok, Youtube…). Việc này đòi hỏi bạn cần mất thời gian tìm hiểu nhiều hơn thông tin về giống, người bán. Ngoài ra, giống mèo Munchkin chân ngắn hiện đã được nuôi rất phổ biến ở Việt Nam. Bạn có thể tìm kiếm một chú mèo đi lạc, hoặc bị bỏ rơi ở các trạm cứu hộ động vật, chó mèo có rất nhiều ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Tphcm, Hà Nội và Hải Phòng cũng có những chợ chó mèo lớn, giá rẻ để bạn tìm mua. Có thể kể đến khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 10), đường Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình) ở Tp Hồ Chí Minh, khu vực đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Hồng Mai, chợ Hà Đông ở Hà Nội hay chợ Hàng ở Hải Phòng. Tuy nhiên, ở đây ngoài những người bán chó mèo chân chính, cũng có không ít chó mèo lớn bị bắt trộm, đi lạc hay chó mèo bệnh. Vì vậy, bạn cần xem xét kỹ, và cân nhắc xem có nên mua hay không?
Tổng kết
Munchkin chân ngắn là giống mèo rất đáng yêu, ngọt ngào, thân thiện và tình cảm. Mặc dù còn nhiều tranh luận, bất đồng về việc nhân giống và phát triển giống mèo này liên quan đến chân ngắn bất thường ở giống mèo này. Nhưng thực tế và khoa học đã chứng minh, không có bất kì vấn đề sức khỏe lớn nào ảnh hưởng đến mèo chân ngắn cả. Chúng cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe di truyền như bất kì loài mèo nào khác, nhưng những vấn đề này không đến từ gen đột biến chân ngắn.
Nếu bạn bị vẻ ngoài quyến rũ với chân ngắn cũn cớn dễ thương của giống mèo này và không e ngại các bất thường về giải phẫu của Munchkin, bạn sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc với bé mèo cưng này của mình. Dưới đây, Dogily.vn xin giúp bạn tổng kết những ưu, nhược điểm của giống mèo Munchkin để bạn tham khảo nhé.
Ưu điểm:
- Vui vẻ, thân thiện hòa đồng.
- Thông minh, quấn chủ
- Không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đặc trưng (giống như hội chứng đầu ngắn ở một số loài chó như: Pug, Bull Pháp, Bulldog, Bully…)
Nhược điểm:
- Việc nhân giống mèo Munchkin vẫn gặp nhiều tranh cãi chưa rõ ràng, phản đối từ một số người yêu mèo, tổ chức đăng ký và các cơ quan bảo vệ động vật.
- Không có khả năng nhảy cao bằng mèo chân dài, dễ bị chấn thương nếu nhảy từ trên cao xuống (như từ mặt tủ bếp, bàn ăn, nóc tủ quần áo…)
Xem thêm các giống mèo liên quan
Các câu hỏi thường gặp liên quan đến mèo Munchkin
Mèo Munchkin có phải là thú cưng tốt không?
- Là một vật nuôi hoàn hảo, Munchkin rất hòa thuận với trẻ em, chó mèo và loài vật khác trong nhà. Chúng luôn muốn được tương tác, chơi cùng với mọi thành viên trong gia đình. Munchkin luôn cần được để ý chăm sóc.
Mèo chân ngắn có thích vuốt ve không?
- Là giống mèo tình cảm, ngọt ngào, Munchkin luôn thích được nằm trên đùi và được âu yếm, vuốt ve. Khi chơi đùa, chạy nhảy xong, mèo sẽ luôn muốn quấn quýt bên bạn.
Mèo Munchkin chân ngắn thích sống ở ngoài trời hay trong nhà?
- Như tất cả các giống mèo nhà khác, tốt nhất là bạn nên để mèo Munchkin chân ngắn ở trong nhà để đảm bảo sự an toàn cho mèo cưng. Nếu thi thoảng bạn muốn cho mèo ra ngoài đi dạo, bạn nên dạy cho mèo làm quen với dây dắt để đảm bảo mèo an toàn và không đi lạc.