Mua bán chim cảnh

Các giống chim cảnh thường được nuôi

Chim rừng thì có các giống, mà mỗi giống lại có các hoặc mấy trăm loài, đến nỗi các nhà Điểu học phải sắp xếp theo từng Bộ, từng Họ để cho dễ nhớ. Hơn nửa, không phải là tất cả chim rừng nào người đời cũng thích nuôi. Nuôi mà không lợi mặt này hay mặt khác thì nuôi làm gì ? Những giống như Ngỗng trời, Vạc, Dẽ Gà, Choắt Mỏ Cong, Cú Vọ... thử hỏi nuôi có ích gì, nếu bắt được không thả vào rừng thì chỉ còn có nướng chả...

Nuôi chim để nghe tiếng hót hoặc chơi đá:

Loại chim này rất hợp với ý thích của nhiều người. Tiếng hót của chim đem lại niềm vui cho mọi người, làm sảng khoái tinh thần, có thế quên đi mọi phiền toái của cuộc đời (dù là trong chốc lát)... Chim để hót, để đá cùng có nhiều giống, và tùy theo ý thích riêng tư của mồi người mà kẻ chọn giống này người lại “mê” giống khác. Các giống: Họa Mi, Sơn Ca, Chích Chòe Than, Chích Chòe Lửa, Chích Chòe Đất, Khướu, Cu Gáy, Chóp Mào, Vành Khuyên... xưa nay được nhiều người chọn nuôi.

Nuôi chim để dạy chúng nhại tiếng người:

Có những giống chim sống ngoài thiên nhiên thì chi hót giọng rừng, nhưng hót không mấy hay, nhưng nuôi nhốt trong lồng lại có khả năng lặp lại tiếng người một cách rõ ràng. Chim không biết nói, không tạo ra được nhừng câu nói như người, nhưng lại nhái được giọng của người, dạy chúng câu gì thì chúng lặp lại được đúng y như vậy. Tài năng chỉ có bao nhiêu đó thôi, nhưng những con chim này đã được người đời khen ngợi đánh giá là con chim quý nên chọn nuôi.

Rừng nước ta có năm giống chim biết nhái tiếng người (mà nhiều người hiểu lầm là nói) đúng ra là nhái, hay lặp lại nguyên văn câu được dạy: đó là Nhồng - Sáo - Cưỡng - Quạ và Két. Trong năm con chim này thì giọng con Nhồng nghe rõ hơn cả.

Nuôi chim để làm kiểng:

Chim nuôi để làm kiểng là giống chim cảnh lạ, hay có vóc dáng đẹp, hoặc bộ lông trên mình sặc sỡ. Chim nuôi làm kiểng có thể rất to, hoặc thân mình rất nhỏ, miễn yêu cầu đạt được phải lạ, đẹp, khiến ai nhìn cũng ưa.

Giống chim nuôi làm kiểng của rừng nước ta rất nhiều, nhưng thường được người đời chọn nuôi các giống sau đây: chim Nút Mật - Bồ Chao - Cuốc - Cò - Đầu Rìu - Công - Gà rừng - Trích - Đa Đa - Gà Nước...

Dù nuôi giống chim gì: để nghe giọng hót, hay để nghe nhái tiếng người, hoặc để làm kiểng, người ta cùng muốn chim mau khôn, nghĩa là dạn dĩ, thân thiện với người nuôi. Muốn được vậy, không khó, trước hết quí vị nên chọn chim non mà nuôi, sau đó nên tạo nhiều dịp gần gũi với chúng, nhất là tỏ cử chỉ thân thiện với chúng, đừng để cho chúng sợ sệt ta mà tìm cách xa lánh ta là được.

Chợ chim

Chợ chim là nơi bày bán các loại chim rừng, lồng chim, những dụng cụ nuôi chim và thức ăn của chim.

Người nuôi chim đặt chân đến các chợ này thường được thỏa mãn tất cả mọi ước muốn, liên quan đến việc nuôi chim rừng của mình.

Ở đây, trưng bày đủ các giống chim rừng như Họa Mi, Chích Chòe, Sơn Ca, Khướu, Nhồng, Sáo, Cường, Bạc Má, Đầu rìu, Quạ, Gà Lôi... từ chim con, chim bổi đến chim thuộc, tức là chim đả được thuần đường lâu năm.

Lồng chim cũng vậy, chợ chim bày bán nhiều loại lồng, cỡ lồng dùng nhốt các giống chim. Lồng có loại “lồng chợ” là lồng xấu rẻ tiền nhất, cao cấp hơn có loại “lồng đặt” như lồng trám, lồng chạm với giá đắt hơn. Nếu quí vị cần, người bán có thể tìm cho quí vị những loại lồng xưa, lồng nhập rất độc đáo mà giá tiền cung rất... độc đáo: có thể trên dưới một lượng vàng!

Ngay giá chim cũng vậy, có con chỉ năm bảy ngàn, nhưng có con cũng đến bốn năm triệu, chẳng hạn loại Sơn Ca có giọng hót bậc thầy, đã bốn năm mùa nuôi...

Ở đây, quí vị cùng có thể tìm mua những cặp “cóng” đúng với sở thích hoặc hợp với túi tiền của mình. Có cóng nội địa, nhưng củng có cóng ngoại nhập như đồ Nhật, Singapore, Trung quốc... tất nhiên giá tiền chênh lệch thấy rõ...

Nói là Chợ Chim, nhưng chợ không phải đơn thuần bán chim mà đôi khi còn bán cả thú rừng, hoặc chó kiểng, vì vậy, đi thăm chợ chim cũng có cái thú như đi... chơi sở thú vậy. Có những con vật vừa đẹp vừa lạ, nhiều khi không dự tính nhưng cùng phải dốc túi ra mua.

Nhưng, chợ chim, đôi khi cũng không phải đúng nghĩa là nó đứng riêng một minh, mà chỉ là một khu nằm trong khuôn viên một khu chợ, như chợ Bưởi, chợ Mơ thuộc quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội. Ở đây, chợ chim chỉ “khiêm nhượng” chiếm một phần nhỏ của khu chợ mà thôi. Tuy vậy, nơi đây cùng bán đủ mọi thứ cho người nuôi chim cần đến.

Trước năm 1975, nghệ nhân nuôi chim ở Hà Nội và vùng phụ cận chỉ đến mua chim rừng ở hai chợ Đồng Xuân và Bắc Qua thuộc quận Hoàn Kiếm, nhưng nay, thì ngoài các chợ vừa kể ở trên, còn có những gian hàng bán chim ở các khu phố, gần như đi đâu cũng gặp.

Trước năm 1975, ở Saigòn có một chợ chim duy nhất còn gọi là “chợ chó” ở Chợ Cũ (góc đường Hàm Nghi và Pasteur). Chợ này có rất lâu năm, có lẽ trước 1950, bán chim là chính, chó và thú rừng là phụ. Dân nuôi chim ở vùng Saigòn Chợ lớn thời trước tụ họp về đây đế mua bán đổi chác. Thời đó, không có những tụ điểm chơi chim công cộng, mà thường tập trung mỗi sáng ở các tiệm cà phê ở góc đường (thường là do người Hoa lập ra) để bàn bạc, trao đổi hoặc treo lồng ở mái hiên mà dượt chim với nhau.

Sau năm 1985 (nếu chúng tôi nhớ không lầm), chợ chim ở Chợ Củ được tạm dời về góc đường Lê Lai và Cách Mạng Tháng Tám. Địa thế này có vé không được thuận lợi nên buôn bán ế ẩm, người mua kẻ bán lưa thưa.

Sau một thời gian vài ba năm chi dó, chợ chim này lại dời về đường 3 tháng 2, gần khu chợ cá Trần Quỏc Toản. Khu chợ cá này nay cũng đã dẹp rồi.

Xem ra, khu chợ chim đường 3 tháng 2 cũng có vẻ “trái đường” nên buôn bán cũng ế. Hầu hết các gian hàng chim nơi đây đều chủ yếu bày bán bồ câu các loại, chỉ có một ít lồng yến phụng và thỉnh thoảng mới thấy bày yến hót. Chim rừng cùng không được bao nhiêu.

Chợ chim này dẹp thì đồng loạt các chợ chim Lê Hồng Phong (nằm trên đường Lê Hồng Phong), Cầu Mống (ớ Bến Chương Dương) và sau này có chợ chim Thuận Kiều, chợ chim đường Lãnh Binh Thăng (chợ này mới dẹp)...

  • Chợ chim đường Lê Hồng Phong: Chợ chim này (xin coi hình chụp) nằm ở góc đường Lê Hồng Phong và ngã ba đường Vĩnh Viễn, tức khoảng giữa đại lộ Hùng Vương với Ngã Bảy. Khu chợ này được chia ra nhiều gian hàng rất khang trang, mỗi gian hàng có bảng hiệu hẳn hoi. Nơi đây có rất nhiều gian hàng bán chim và chỉ vài gian hàng bán chó kiểng. Khu chợ này bán chim con và chim bổi là nhiều, chim hót như Chích Chòe, Họa Mi cùng có, nhưng thứ “xuất sắc” thì không có nhiều bằng chợ chim Thuận Kiều, hoặc chợ Cầu Mông, ở đây cùng bán nhiều lồng chim các loại và bán đủ thức ăn cho chim.
  • Chợ chim Cầu Mống : Khu chợ này nằm gần Cầu Mống ở Bến Chương Dương, cạnh bên một công viên khang trang mát mẻ. Chợ chim Cầu Mống được đánh giá là chợ chim đẹp nhất. Trong nhà lồng chợ, chia ra làm hai dãy, phân chia ra nhiều gian hàng có bề mặt bằng nhau. Mỗi gian hàng đều có cửa ngõ bằng lưới B40 sơn phết rất đẹp, đã thế nhiều gian hàng còn lót gạch bông trang trí bắt mắt. Nơi đây còn có nhiều gian hàng bán chim rừng. Cùng có ba bốn gian hàng bán chó kiểng, và có lẽ mặt hàng nổi nhất là trăn rắn (có cả rượu rắn)...
  • Chợ chim Thuận Kiều: Khu chợ. này nằm trên lề đường Thuận Kiều, gần bệnh viện Chợ Rẫy (xin xem hình chụp), được phân chia ra nhiều gian hàng bán chim thú rừng. Tuy chợ đã có lâu năm, nhưng do dời đi dời lại nhiều lần, nên đến nay vẫn chưa xây dựng đúng quy cách gì cả. Hầu hết những gian hàng chưa có mái lợp, chỉ có dù che, nhưng khu chợ này lại có đông đảo khách hàng lai vãng. Một phần, chợ Thuận Kiều nằm giữa ranh giới Saigòn và Chợ lớn, nơi đông dân cư, kế đó là chợ luôn luôn có nhiều mặt hàng mới. Chim rừng ở đây có đủ loại mà nghệ nhân thích nuôi, lồng chim bày bán cũng nhiều tha hồ cho khách hàng khó tính chọn lựa. Chích Chòe Than, Lửa, Đất loại “xịn” đến đâu cũng có. Bồ câu ở đây cùng được bán nhiều: Bồ câu thịt, Bồ câu Gà, Bồ câu Nhật, Bồ câu Chạp đủ mọi giá đắt rẻ đều có cả... Chính vì chợ có nhiều mặt hàng như vậy nên ngày nào cũng tấp nập người lui tới mua sắm. Nơi đây không chỉ bán lẻ mà còn bán sỉ cho các người có gian hàng bán lẻ ở các quận, huyện, hoặc tỉnh khác đến mua về...

Trước năm 1975, ở Saigòn có một tiệm bán chim lâu năm nhất là tiệm Liên An ở đại lộ Hàm Nghi, chợ Cũ. Ông chủ tiệm là người Hoa dáng người thấp, mập mạp và có cái bụng phệ nhưng rất vui tính. Tiệm Kiên An thời trước bán chỉ có vài loại chim là Yến Phụng, Yến hót, Bạc Má, Manh Manh và Bồ câu kiểng. Sau này thêm mặt hàng chim hót rừng và “chim phóng sanh”.

Thấy tiệm chim Kiên An làm ăn khấm khá, nên trong đường Nguyễn Trãi cũng lập ra hai tiệm chim gần nhau, cũng do người Hoa làm chủ, nhưng hình như buôn bán không được đắt hàng lắm...

Ngày nay, thì như chúng tôi vừa trình bày, thành phố Hồ Chí Minh có ba chợ chim “qui mô”, còn có rất nhiều gian hàng bán chim rừng của tư nhân (bán tại nhà), gần như quận, huyện nào cũng có. Những nơi này chủ yếu bán các giống chim hót như Họa Mi, Chích Chòe, Khướu và lồng chim. Họ cũng có bán thức ăn cho chim như cào cào, sâu tươi, sâu khô, và nhiều nơi còn bán “chim thả” ...

Ngoài ra, còn phải kể đến những “chợ chim lưu động”. Chúng tôi muốn nói đến những người bán chim dạo bằng các phương tiện như gánh trên vai, thồ trên xe đạp hoặc xe ba bánh...

Những người bán chim dạo này thường đi dọc theo các đường phô, hoặc vào các ngõ xóm quanh co và xem ra họ cũng... kiếm sống được. Chim họ bày bán thường là các loại Sáo, Cưỡng, Khướu, nhưng toàn là chim bổi, không mấy giá trị nhưng % lại hợp với túi tiền của giới bình dân. Thỉnh thoảng cũng thấy họ bán một số Yến Phụng... loại còn non hay già quá lứa không còn sinh sản được nữa.

Cũng phải kể đến những người bày bán chim thú ở dọc đường. Đây là những điểm bán lưu động, nay nơi này mai nơi khác. Chim rừng họ bày bán cũng chỉ là Sáo, Cường, Két là nhiều, thỉnh thoảng cũng gặp được người bán vài con khỉ, trăn rắn hoặc Gà Nước, Vịt trời, Cuốc...

Trên đây, chúng tôi đề cập sơ qua những chợ chim và điểm bán chim ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng đi các tỉnh từ miền Trung trở vào thì được biết phong trào nuôi chim rừng được các tỉnh thành “hưởng ứng” đông đảo. Ở miền Trung, nhiều nhà nuôi Khướu và Sáo Cưỡng. Các chợ cũng bán chim rừng, nhất là vào các buổi chợ Phiên. Chẳng hạn như chợ Ba Đồn ở Quảng Bình, chợ Phiên tổ chức vào các ngày mồng sáu, mười sáu và hăm sáu (Âm lịch) mỗi tháng đều có bày bán rất nhiều giống chim rừng để đồng bào thích con nào thì lựa mua nuôi con ấy.

Những vùng ven đô và các tỉnh lân cận thành phố Hồ Chí Minh như Thủ Đức, Lái Thiêu, Bình Dương, Long An, Mỹ Tho càng ngày càng mở ra nhiều điểm bán chim rừng...

Xem thế đủ thấy số người thích nuôi chim rừng để thưởng thức giọng hót, để nghe chúng bắt chước tiếng người và để ngắm nhìn sắc lông đẹp đẽ của chim ngày càng đông đảo hơn.

Theo chúng tôi đó là điều đáng mừng, vì nuôi chim vô hại, trái lại còn là phương cách hữu hiệu để di dưỡng tinh thần, tạo được sự sảng khoái cho tâm hồn, để quên đi được những âu lo phiền toái do cuộc sống mang lại...

Cách thuần hóa chim cảnh

Tất cả chim chóc sống hoang dã ở núi non, rừng rú, ruộng đồng, cách biệt với lối sống của loài người đều gọi là chim rừng. Chim rừng có rất nhiều giống. Ở đây, chúng tôi chỉ xin mạn phép đề cập đến một số chim nuôi để nghe tiếng hót, mà xưa nay ta thường chọn nuôi.

Đó là các loại như chim Họa Mi, Sơn Ca, Chích Chòe, Khướu, Vành Khuyên...

Chim hoang dã thích sống tự do, sải cánh tung bay trong trời cao biển rộng chứ không thích chung sống với người, nói rõ ra là chúng rất sợ con người. Hễ thấy bóng dáng người lại gần là chúng sợ hãi “cao chạy xa hay” mất tăm mất tích, vì vậy, giống “chim trời cá nước” bắt rất khó, bắt được đem về thuần dưỡng cho chúng bạo dạn là việc vô cùng khó khăn, vô cùng công phu. Nếu thiếu sự đam mê, thiếu tính kiên nhẫn ta khó lòng đạt được ý muốn.

Chim rừng bắt về nuôi có hai loại: chim non và chim đã trưởng thành. Chim non thường bắt trong ổ, vào mùa sinh sản của chúng, con chim trưởng thành gọi là chim “bổi” thì bắt bằng lưới, bằng lục, bằng bẫy rập, hoặc bằng nhựa dính... Với chim thích đấu đá như gà nòi, người ta dùng chim mồi để bẫy, còn giống nào tham mồi thì nhứ mồi.

Sau đó, tùy theo cách sống của từng loại ra sao người ta có cách nuôi dưỡng riêng, chăm sóc riêng, sao cho phù hợp với lối sống tự nhiên, nhất là đối với những con chim bổi. Chim non dễ nuôi hơn, gần như cho gì ăn nấy. Nhưng, chim bổi vì quá sợ người nên nhiều con đành nhịn ăn mà chết.

Thuần dưỡng chim non

Chim non sống nhờ vào mồi đút của chim cha chim mẹ. Chim non bắt về thuần dưỡng rất dễ “quen hơi bén tiếng” với người nuôi. Chim bắt về càng non nuôi càng mau dạn, nhưng nếu chúng còn nhỏ dại quá thường nuôi khó sống, nếu ta giữ độ ủ ấm cho chim không đủ sức cần thiết.

Nuôi chim non rất vất vả chẳng khác gì nuôi con mọn, vì chim non rất háu đói, ăn lại mau tiêu, nên ta phải đút mồi luôn. Tuy vậy, công việc này chỉ kéo dài độ ba bốn tuần là xong, vì sau một tháng tuổi chim đã tập bay, biết mổ thức ăn, tự nuôi sống. Đây là lúc ta nên tiếp xúc, gần gũi với chim để chim thân thiện với người nuôi. Hai tháng tuổi chúng đã tập hót, nhưng giọng chưa hay, phải nuôi đến vài mùa (vài năm) giọng hót của chim mới chuẩn mực.

Chim non khi khôn lớn rất thân thiện với người nuôi, có thể nuôi thả trong vườn, sáng đi tối về, miễn là ta phải canh chừng chó mèo vồ chụp.

Thuần dưỡng chim bổi

Chim bổi là chim khôn lớn mới đánh bẫy về, có con đã già dặn năm bảy tuổi đời nên rất sợ người. Thuần dưỡng loại này rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian và sự khôn khéo. Chim bổi dù nuôi lâu vẫn nhát, nhưng khi chúng đã bằng lòng với cách sống tù túng trong lồng thì chúng hót rất hay. Giọng chim bổi là giọng rừng nên giàu âm điệu, ai nghe cũng thích.

Chim bổi bắt về ta nên chọn những loại có vóc dáng đẹp không có thương tật mới nuôi. Nuôi chim bổi rất công phu nên không ai chọn nuôi những con có tì vết như đui, què, sút móng.

Chọn được chim cảnh tốt rồi, ta thả chúng vào lồng, bên trong đã treo sẵn cóng nước, cóng đựng sâu tươi, cóng đựng thức ăn chế biến phù hợp (như Họa Mi thì gạo trộn trứng, Chích Chòe thì bột đậu phọng trộn trứng...). Bên ngoài ta phủ kín áo lồng rồi treo chim vào một nơi thật yên tĩnh trong vài ngày, với chim quá nhát có thể không ăn mồi mà chết, nhưng thường thì chúng tham sống sợ chết, nên cuối cùng cũng phải ăn mồi. Trong thời gian vài tuần đầu, vài ngày ta rón rén đến hé áo lồng ra xem chim mạnh khỏe ra sao, thức ăn nước uống còn hết thế nào... Sau thời gian đầu “thử thách” đó, ta bắt đầu hé dần áo lồng ra để chim làm quen với cảnh trí bên ngoài, làm quen với người nuôi. Khi chim đã dạn, chúng không ngại ngần gì mà không cất tiếng hót.

Tuy nhiên, không phải con chim rừng nào cũng hót hay. Có con giọng kim, có con giọng thổ, có con kim pha đồng hoặc pha thổ... Có con giọng dài, có con giọng ngắn, có con siêng hót, có con mỗi ngày chỉ mỏ miệng đôi ba lần... Vì vậy, muốn có con chim hót hay, hót vừa ý mình thì phải cất công chọn lựa: chim nào hót hay thì giữ con nào tệ lâu quá thì mở cửa phóng sanh! Việc nuôi chim hót nên chú ý phần phẩm hơn là phần lượng. Trong nhà nuôi vài con hót hay đã đủ cho mình thưởng thức, còn nuôi nhiều mà chim hót dở thì chỉ tốn của, tốn công!

Chim bổi do dễ đánh bẫy nên bán rẻ tiền, vì vậy, nuôi mươi con mà sau cùng chọn được vài ba con vừa ý cũng không phải là quá đắt. Một con bổi than giá khoảng mươi ngàn, nhưng nuôi một mùa mà hót hay, chịu đứng lồng thì giá cũng trên dưới cả chỉ vàng chứ không phải ít!

Nhiều người không chịu nuôi chim bổi vì ghét cái tính nhát của nó. Nhưng chim nhát một phần cũng do ở người nuôi. Trong giai đoạn vài tháng đầu đem về, ta chịu khó phủ áo lồng cho chim và treo chim ở nơi yên tĩnh. Sau đó, tập cho chim dạn dĩ với người dần dần. Cách cho chim tầm mỗi ngày cũng là phương cách làm cho chim dạn. Chim bổi nuôi ba bốn mùa trở lên cũng bỏ bớt tính nhát. Trong khi đó, nuôi chim con thì mau dạn, nhưng cũng phải mất ba mùa chim mới hót hay!

Tóm lại, thuần dưỡng chim rừng đòi hỏi nhiều công phu và kinh nghiệm ở người nuôi. Người không bền chí, và nhất là thiếu sự đam mê thì khó gặt hái được thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *