Chó cảnh

Giống chó là gì?

Chó đã được loài người lai tạo từ thời tiền sử cách đây hàng vạn năm. Tất cả các giống chó cảnh hiện nay đều có nguồn gốc lai tạo từ chó sói. Ban đầu, chó đã lai tạo để làm các công việc rất khác nhau từ săn bắn, trông giữa nhà cửa và chăn gia súc… Sau này, khi xã hội phát triển, chó đảm nhận thêm các nhiệm vụ như kéo xe, cứu hộ, bảo vệ, cảnh khuyển trong quân đội, cảnh sát… và tuyệt vời nhất là làm bạn đồng hành trong gia đình… Dù bất cứ công việc gì, những “người bạn tốt và trung thành nhất của con người” đều tích cực và hoàn thành một cách xuất sắc.

Chó Alaska trông như thế nào?
Chó Alaska nổi bật với vóc dáng to lớn, oai vệ.

Trong suốt lịch sử của loài chó, chúng đã được lai tạo để có những đặc điểm thể chất và tinh thần đáp ứng tốt với nhiệm vụ của mình. Các dòng chó Ngao to lớn được dùng trong công việc bảo vệ, hay chiến đấu trên chiến trường như một chiến binh thực thụ. Còn những dòng chó nhanh nhẹn, lông mượt sát như Greyhound được sử dụng để săn các con mồi có tốc độ cao. Cùng là chó kéo xe nhưng Alaskan Malamute được dùng để chở nặng trên đường trường, còn Husky thì thiên về chở nhẹ nhưng chạy với tốc độ cao, còn Samoyed là giống chó kéo xe với nhiệm vụ ở khoảng giữa của Alaska và Husky.

Khi yêu cầu của con người cao hơn, chó cũng được lai tạo tinh chỉnh theo nhu cầu và môi trường của người nhân giống. Chẳng hạn như giống chó Greyhound kể trên là gốc để tạo ra giống Irish Wolfhound khổng lồ và dòng Italian Greyhound duyên dáng. 3 giống chó trên nhìn qua đều có nét tương đồng rõ nét, nhưng bạn vẫn dễ dàng phân biệt được từng giống chó một mà không hề bị nhầm lẫn.

Vậy thế nào là một giống chó đúng nghĩa mà không phải là một kiểu hay dòng chó. Định nghĩa giống chó thuần chủng đơn giản là nó luôn được nhân giống đúng cách. Ví dụ như một chú chó Shiba Inu thuần chủng luôn phải được nhân giống với một con Shiba Inu thuần chủng khác để tạo ra chó con nhìn là biết ngay đó là: Shiba inu.

Hình ảnh chó Shiba cười
Chó Shiba nổi tiếng với nụ cười và gương mặt tràn đầy biểu cảm

Những đặc điểm về ngoại hình, thể chất, cách di chuyển và tính cách lý tưởng của từng giống chó đều được ghi chép lại và được công nhận là “tiêu chuẩn giống”. Tiêu chuẩn giống này cơ bản giống nhau giữa các tổ chức chó giống lớn như FCI (Hiệp hội chó giống quốc tế), AKC (Câu lạc bộ chó giống Mỹ). Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác biệt, hoặc có giống chó được cơ quan đăng ký giống này công nhận nhưng với cơ quan đăn ký khác thì không. Trong lịch sử, tên gọi và tiêu chuẩn giống chó cũng thường được các tổ chức đăng ký chó giống điều chỉnh, thay đổi và cập nhật cho phù hợp với sự phát triển và thực tế của giống chó đó. Ví dụ tiêu chuẩn giống chó Akita Inu chỉ áp dụng cho giống chó Akita Inu Nhật Bản, chứ không phải là American Akita (hay Akita Mỹ).

Tiêu chuẩn của mỗi giống chó thường bắt nguồn từ Hiệp hội, câu lạc bộ quê hương bản địa của giống chó đó. Ví dụ như tiêu chuẩn giống chó Becgie do người Đức xây dựng. Sau đó các tổ chức đăng ký chó giống quốc tế công nhận trên cơ sở bản tiêu chuẩn đó. Bản tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn để các nhà nhân giống tuân thủ, áp dụng cũng như được sử dụng làm các tiêu chí đánh giá tại các cuộc thi Dog Show.

Có bao nhiêu giống chó cảnh?

Có khoảng gần 400 giống chó được biết đến trên thế giới. AKC công nhận 201 giống chó, FCI công nhâ 360 giống chó, United Kennel Club (UKC) công nhận tới 376 giống chó. Còn tại Dogily.vn, chúng tôi công nhận tất cả các giống chó cảnh thuần chủng đã được các cơ quan đăng ký chấp nhận.

Hình ảnh 4 giống chó cỏ Việt Nam
Chó cỏ Việt Nam có 4 loại, được mệnh danh Tứ Đại Quốc Khuyển gồm: chó Lài, Bắc Hà, Mông Cộc và Phú Quốc.

Khi nói về các giống chó cảnh (chó kiểng), quan trọng nhất là cách tiếp cận. Chúng tôi không chỉ đề cập đến những giống chó thuần chủng được các tổ chức đăng ký công nhận, mà còn cung cấp thông tin về tất cả các giống chó lai và chó bản địa chưa được quốc tế công nhận thuần chủng như các dòng chó bản địa: chó Bắc Hà, Mông cộcchó Phú Quốc, chó Lài sông Mã của Việt Nam. Thế giới loài chó rất đa dạng và phong phú, trong đó mỗi giống chó đều có những điểm đặc biệt, ngoại hình và tập tính riêng biệt.

Chính sự phong phú của các giống chó cảnh cho phép người nuôi có rất nhiều lựa chọn. Bạn có thể cân nhắc, quyết định chọn mua một giống chó cảnh phù hợp nhất với hoàn cảnh, môi trường sống và sở thích cá nhân của bản thân và mọi người trong gia đình.

Các loại chó cảnh (chó kiểng)

Những giống chó cảnh thuần chủng: các giống chó này đều có bản tiêu chuẩn giống khoa học, chặt chẽ và được thiết lập, tuận thủ nghiêm ngặt. Chó cảnh thuần chủng luôn được đánh giá cao vì các đặc điểm về tinh thần và thể chất luôn có thể biết trước được. Trong những năm gần đây, các giống chó lai ngẫu nhiên hoặc lai tạo có chủ đích (chuyên môn gọi là chó thiết kế, “design dogs”) trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Những giống chó lai này cung cấp nhiều chọn lựa về phẩm chất, đặc điểm phù hợp với nhiều sở thích & lối sống khác nhau của người chơi.

Các giống chó cảnh lai thường là sản phẩm giữa 2 chó bố mẹ thuần chủng, hoặc đã là chó lai với nhau. Chó lai là kết hợp thú vị các đặc điểm từ gia đình 2 bên bố mẹ. Điều này khiến cho mỗi chú chó là một cá thể duy nhất, độc đáo nhất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chó lai có khả năng thích nghi tốt và có tuổi thọ thậm chí còn cao hơn các giống chó cảnh thuần chủng.

Với các nhà nhân giống chuyên nghiệp trên thế giới, họ thường lai tạo có chủ ý 2 giống chó cảnh thuần chủng để có một giống chó “thiết kế” như: Pomchi (Phốc sóc lai Chihuahua), Pomapoo (Phốc sóc lai Poodle), Labradoodle (Labrador lai Poodle)… Các giống chó mới này được lai tạo nhằm có được các đặc điểm mong muốn từ cả bố và mẹ về ngoại hình, tính cách và các đặc điểm hữu ích (không rụng lông, gây dị ứng…). Một số giống chó lai thiết kế bước đầu đã được các tổ chức chó giống công nhận (như American Akita, Pitbull…) trong khi nhiều giống chó khác thì không nhưng lại rất được cộng đồng yêu chó đón nhận như Bully Exotic, Labradoodle…

Chọn giống chó cảnh nào phù hợp?

Dù là chó lai hay chó cảnh thuần chủng thì nguyên tắc nhân giống có đạo đức, trách nhiệm là quan trọng nhất (không phối giống chó có bệnh di truyền, không nhân giống chạy theo lợi nhuận, phúc lợi cho chó…). Tiếp đó, bất kì chú chó, hay giống chó nào đều cần được huấn luyện và xã hội hóa sớm từ ngay khi còn nhỏ 2,3 tháng tuổi.

Mỗi cá thể chó hay từng giống chó có đặc điểm, nhu cầu nuôi và chăm sóc riêng mà người nuôi cần phải biết. Trước khi quyết định mua một chú chó cảnh về nuôi, bạn luôn cần tìm hiểu về giống chó đó để chuẩn bị gia đình mới tốt nhất cho cún, cũng như xem giống chó đó có phù hợp với môi trường, điều kiện sống và sở thích của mình và mọi người trong nhà hay không?