Chó Poodle chính thức được các tổ chức chó giống quốc tế phân thành 3 loại, gồm: Toy (Tiny Poodle), Miniature và Standard Poodle. Ngoài ra còn có 2 size không chính thức là Teacup Poodle và Medium hay Moyen Poodle (kích thước nằm khoảng giữa Standard & Miniature). Ngày nay, Poodle thường chiến thắng trong các cuộc thi Dogshow với vẻ ngoài quý tộc được cắt tỉa cầu kì. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài sang chảnh, điệu đà đó là một giống chó gia đình dễ thương, ngọt ngào và đầy tình cảm.
Giống chó này ban đầu được lai tạo để săn các loài chim nước, chủ yếu là vịt trời. Với trí thông minh đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Border Collie), Poodle rất dễ huấn luyện, chúng dễ dàng thực hiện hầu hết mọi công việc mà bạn giao. Trong bài viết này, Dogily.vn sẽ giới thiệu với bạn những thông tin thú vị từ lịch sử, nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình, cách chăm sóc giống chó Poodle để bạn tham khảo. Hãy cùng đón đọc nào!
Xem video Poodle Standard tha chim về cho chủ sau khi bắn hạ
Thông tin tóm tắt giống chó Poodle.
Ngày nay, nhìn các chú chó Poodle được cắt tỉa với các kiểu dáng thời trang, sang trọng. Những tưởng chúng từng có đời sống xa hoa, nhàn hạ như các giống chó hoàng gia Shih Tzu, Pekingese hay Pug… ở Trung Hoa cổ xưa. Nhưng trong lịch sử, chúng được lai tạo ra để làm các công việc thực sự vất vả, khó khăn. Thật khó tưởng tượng một chú chó Poodle được chải chuốt điệu đà, với những sải chân duyên dáng trên thảm đỏ xưa kia từng là một chú chó săn và tha mồi dưới nước.
Xem phần thi của những chú chó Poodle Standard hàng đầu thế giới tại Westminster Kennel Club Dog Show 2023
Công việc chính của Poodle là lặn xuống nước lạnh để bắt các loài thủy cầm mang về cho thợ săn. Tên gọi Poodle trong tiếng Anh được bắt nguồn từ tiếng Đức cổ “pudelin” hay “pudel” với nghĩa là “bắn tung tóe” hoặc “té nước”. Riêng tại Pháp, nơi giống chó này phát triển mạnh mẽ, chúng được gọi là Caniche (bắt nguồn từ cụm từ “chien canard” nghĩa là “con chó vịt”). Các kiểu cắt tỉa lông chó Poodle được trình diễn hiện nay cũng bắt nguồn từ các mục đích công việc khá thực tế và có chủ đích. Các vùng được cắt tỉa sẽ giúp bộ lông chó nhẹ đi, không bị đóng băng, hay vướng víu cây cỏ, mảnh vụn… khi xuống nước khiến chúng bơi lội dễ dàng hơn. Những vùng lông được giữ lại thường ở quanh khớp và giữ các bộ phận quan trọng trên cơ thể chó khỏi nước lạnh.
Xem video Poodle Standard nhảy xuống nước tha mồi về cho chủ:
Trong các size của giống chó này, dòng Poodle Standard khổng lồ là lâu đời nhất, ngày nay, ở nhiều nơi chúng vẫn tiếp tục công việc truyền thống của một chú chó săn vịt. Dù với bất kì dòng nào, Poodle đều được biết đến với trí thông minh tuyệt đỉnh, nhanh nhẹn và vui vẻ. Ngoài trình diễn tại Dogshow, chúng cũng là nhà vô địch trong các môn biểu diễn dành cho chó thể thao và săn bắn. Chúng luôn khao khát được ở gần mọi người trong gia đình và sẽ trở nên cô đơn, stress nếu bị bỏ lại một mình.
- Nguồn gốc: Đức, Pháp
- Các size chó Poodle: đa dạng với nhiều kích thước phù hợp với nhiều lối sống và hoàn cảnh khác nhau, gồm có: Standard (chó Poodle lớn), Medium Poodle (Moyen, cỡ vừa), Miniature (Poodle mini, thu nhỏ), Poodle Toy (size đồ chơi, hay Tiny), Poodle Teacup (nhỏ vừa tách trà).
- Chiều cao tới vai: Standard Poodle (trên 38,1cm, thường từ 55,88cm trở lên); Moyen (35,56-45,72cm); (Miniature Poodle (25,4-38,1cm); Toy Poodle (dưới 25,4cm);Teacup Poodle (dưới 22,86cm)
- Trọng lượng trưởng thành: Standard Poodle (đực: 27,216-31,751kg, cái: 18,144-22,68kg); Moyen Poodle (6,804-15,876kg); Miniature Poodle (6,804-7,711kg); Toy Poodle (2,722-4,082); Teacup Poodle (dưới 1,814-2,722kg).
- Tuổi thọ :10-18 năm.
- Bộ lông: có 1 lớp lông xoăn, cứng dày, ít rụng lông và không gây dị ứng, là sự lựa chọn hoàn hảo cho người bị dị ứng lông chó. Có các màu sắc phong phú, đa dạng: đen, trắng, kem, vàng mơ, nâu đỏ, xám (xám hồng, xám khói, xám tro…), nâu socola, bò sữa (đen trắng, nâu trắng…).
- Tính tình: ưa hoạt động nhưng thanh lịch, duyên dáng. Thân thiện với trẻ em và vật nuôi khác trong nhà. Ngọt ngào, tình cảm và luôn thích làm vừa lòng chủ nhân.
- Nhu cầu vận động: từ trung bình tới cao, thích hợp với những gia đình năng động, thích thể thao. Có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chó đồng hành, trình diễn cho đến chó tha mồi hay thậm chí là chó săn.
- Huấn luyện: nổi tiếng với trí thông minh hàng đầu thế giới, khả năng vâng lời, nhanh nhẹn xuất sắc, tiếp thu cực kì nhanh.
- Chải lông: thường xuyên, nên đi Spa cắt tỉa chuyên nghiệp hàng tháng. Với các kiểu cắt tỉa đa dạng, thời trang từ cổ điện tới hiện đại.
- Tên gọi khác: Caniche (tiếng Pháp), Pudel hay Pudelin (tiếng Đức), chó lông xoăn, chó săn vịt, Butdo, Pu đồ, Bút đồ, Pút đồ, chó tay áo,…
Nguồn gốc, lịch sử
Cho đến nay, có rất nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của giống chó này. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, chó Poodle có nguồn gốc từ nước Đức, nhưng được phát triển một giống chó riêng tại Pháp. Ban đầu, giống chó này được lai tạo để săn các loài chim nước (chủ yếu là vịt). Poodle cũng có thể là sản phẩm của các giống chó nước ở châu Âu gồm: chó nước Pháp, Đức, Nga, Hungary, Bồ Đào Nha & Tây Ban Nha. Cũng có giả thuyết cho rằng, chúng có nguồn gốc từ giống chó Barbet ở Bắc Phi, được du nhập vào bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), sau đó đến Gaul (chủ yếu là diện tích Pháp, Bỉ ngày nay) với ngoại hình và tính cách không khác gì Poodle.
Một giả thuyết khác được đưa ra khác, Poodle là hậu duệ của một giống chó chăn gia súc có nguồn gốc từ châu Á, giống chó này theo chân các bộ lạc Goth và Ostrogoth tới Đức rồi di cư qua Pháp. Cuối cùng là giả thuyết cho rằng, Poodle có tổ tiên là những con chó được người Berber (một phần của người Moor) Bắc Phi đưa về từ các vùng thảo nguyên châu Á, khi người Moor xâm chiếm và cai trị ở vùng đất ngày nay là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (từ 711-1492), họ đã mang theo những con chó của mình. Dù cho nguồn gốc như nào, thì Poodle cũng là một giống chó cổ xưa, có từ lâu đời. Những hình vẽ loài chó lông xoăn giống như Poodle thường được trang trí trong các hiện vật và lăng mộ cổ ở La Mã và Ai Cập cổ đại cách đây hơn 2000 năm, mô tả những chú chó đang chăn gia súc, kéo lưới và bắt chim, thú từ đầm lầy.
Nhiều người cho rằng, chó Poodle size nhỏ (Miniature, Toy) được lai tạo từ những năm 1400s, khi giới quý tộc, tư sản Pháp bắt đầu quan tâm đến giống chó này như thú cưng. Các giống Miniature và Toy Poodle được tạo ra bằng cách chọn lọc lai những chú chó Poodle kích thước nhỏ với nhau, chứ không phải do lai với các giống chó nhỏ khác. Đầu tiên là chó Poodle Mini (Miniature) sau đó là đến Toy (Tiny) và phát triển đến dòng Teacup như ngày nay. Và công việc của mỗi dòng cũng khác nhau theo kích thước của chúng, cụ thể:
- Poodle Standard: có kích thước lớn, chuyên để săn vịt và các loài thủy cầm
- Miniature: đánh hơi và tìm nấm cục trong rừng.
- Toy Poodle: chủ yêu được giới thương gia, quý tộc giàu có nuôi làm thú cưng. Sở thích của họ là mang Tiny Poodle trong tay áo dài, rộng của mình như một cách thể hiện đẳng cấp, biệt danh “chó tay áo” của Poodle xuất phát từ đây. Những người Digan du mục khắp châu Âu đã nhận thấy khả năng thông minh, nhanh nhẹn của giống chó này. Họ đã huấn luyện chó Poodle biểu diễn xiếc với những bộ quần áo đẹp và bộ lông được cắt tỉa, nhuộm màu mè, độc lạ để thu hút khán giả. Trào lưu này cũng nhanh chóng được những người chủ nuôi giàu có làm theo.
Năm 1874, Câu lạc bộ chó giống vương quốc Anh (Kennel Club) đã đăng ký chú chó Poodle đầu tiên. Năm 1876, câu lạc bộ yêu thích chó Poodle tại Anh được thành lập. Câu lạc bộ chó giống Mỹ (AKC) đăng ký chó Poodle lần đầu năm 1886. Mười năm sau, Câu lạc bộ chó Poodle Hoa Kỳ được thành lập năm 1896 rồi giải thể, mãi tới năm 1931, câu lạc bộ này mới được thành lập lại. Trước chiến tranh thế giới thứ 2, Poodle ít phổ biến ở nước Mỹ. Nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ giữa thập niên 1950s, Poodle đã trở thành giống chó phổ biến nhất ở Hoa Kỳ trong suốt 20 năm sau đó (thập niên 1960s và 1970s). Trong 3 năm gần đây nhất (2021-2023), Poodle luôn nằm trong Top 5 giống chó phổ biến nhất được đăng ký mới với AKC. Ngày nay, Poodle là một trong những giống chó cảnh phổ biến nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tính cách của chó Poodle
“Thông minh, Trung thành, Tinh nghịch & Tình cảm”, 4 chữ T mà mọi người thường hay dùng để miêu tả về tính cách của giống chó này. Mặc dù có vẻ ngoài nghiêm túc, đặc biệt ở dòng Standard, nhưng Poodle lại khá ham chơi và luôn sẵn sàng tham gia mọi cuộc vui cùng chủ hay chó mèo khác trong nhà.
Luôn mong muốn làm cho mọi người hài lòng, cùng với trí thông minh siêu việt của mình, Poodle là một trong những giống chó tiếp thu cực nhanh và có khả năng huấn luyện hàng đầu trong thế giới loài chó. Nếu được huấn luyện xã hội hóa từ nhỏ (tiếp xúc với nhiều người, cảnh vật, âm thanh… khác nhau), chó Poodle sẽ trở nên điềm tĩnh, cư xử tốt để trở thành một chú chó Poodle trưởng thành toàn diện cả về thể chất và hành vi.
Nhiều người nuôi cho rằng, các size nhỏ như Tiny Toy, Miniature có phần “đanh đá”, “căng thẳng” hơn so với chó Poodle size lớn. Poodle khá cảnh giác và có khả năng trông nhà, chúng sẽ sủa cảnh báo nếu phát hiện người hoặc hiện tượng lạ, nhưng hoàn toàn không phải là một giống chó giữ nhà, bảo vệ tốt.
Mặc dù rất thân thiện và tình cảm nhưng chúng không dễ quen với người lạ. Trí thông minh của giống chó này luôn khiến chủ nhân kinh ngạc, tuy nhiên, nếu nuôi chung nhiều chú chó, Poodle có thể học rất nhanh cả tính tốt và thói quen xấu của đồng loại.
Sức khỏe và các bệnh thường gặp
Nhìn chung, Poodle là giống chó rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, như bất kì giống chó nào khác, Poodle cũng dễ mắc một số bệnh nhất định. Tất nhiên không phải chú chó Poodle nào cũng sẽ bị một hoặc tất cả các vấn đề sức khỏe này. Nhưng bạn cần có thông tin để quyết định trước khi chọn nuôi. Khi tìm mua chó Poodle con, bạn cần tìm một trại, hoặc cửa hàng có uy tín, trách nhiệm. Nơi sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ sức khỏe của chó bố mẹ và chó Poodle con. Dưới đây là một số bệnh di truyền phổ biến mà giống chó này thường hay mắc phải, cụ thể:
- Viêm tuyến bã nhờn: đây là vấn đề hay gặp ở dòng Standard Poodle (khoảng 50% có gen bệnh này), ở các dòng khác ít thấy hơn. Thường được phát hiện khi chó từ 1-5 tuổi, các tuyến bã nhờn trên da cho bị viêm không rõ nguyên nhân. Bã nhờn được các tuyến này tiết ra có tác dụng ngăn cho da không bị khô. Khi da bị viêm tuyến bã nhờn sẽ làm da khô, dày lên, bốc mùi khó chịu kéo theo nhiễm trùng da, tại đỉnh đầu cổ và lưng có vảy và bị rụng lông từng mảng. Mặc dù không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tuổi thọ, nhưng những chú chó này sẽ rất khó chịu và mất thẩm mỹ. Các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, nhưng chủ yếu là chữa theo triệu chứng, không có thuốc chữa trị dứt điểm.
- Các bệnh về mắt: gồm có đục thủy tinh thể, khô mắt (viêm giác, kết mạc) và đặc biệt là teo võng mạc tiến triển (PRA). Khi chó bị PRA, võng mạc sẽ bị thoái hóa dần, trong thời gian đầu, chó sẽ bị mù vào ban đêm. Nếu để lâu, bệnh sẽ tiến triển và làm chó bị mù hẳn. Thực tế, nhiều chú chó Poodle mặc dù bị mù nhưng vẫn có thể thích ứng rất tốt, miễn là chúng vẫn được ở trong môi trường quen thuộc.
- Bệnh Addison: là một bệnh cực kì nguy hiểm, nguyên nhân do vỏ thượng thận bị suy kiệt, không sản xuất đủ hormone. Chó bị Addison có triệu chứng lờ đờ, chán ăn và ói mửa. Các triệu chứng này cũng hay gặp ở nhiều loại bệnh khác, nên rất dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán sai dẫn đến bệnh dễ trở nặng hơn mà không được phát hiện.
- Động kinh: bệnh gây co giật ở tất cả các dòng chó Poodle. Nguyên nhân chủ yếu là do di truyền với các cơn co giật nhẹ đến nghiêm trọng (với các hành vi bất thường như: chạy điên loạn, lẩn trốn hoặc đi đứng không vững…). Nhìn các cơn động kinh rất đáng sợ, nhưng thực ra về lâu dài có thể chữa trị hiệu quả. Các cơn co giật cũng có thể là dấu hiệu của nhiều nhóm bệnh khác. Vì vậy, khi chó bị co giật, tốt nhất bạn nên đưa ngay đến bác sĩ thú y gần nhất để điều trị.
- Loạn sản xương hông: đây là bệnh di truyền phổ biến nhất ở loài chó, khớp hông không chặt khiến cho xương đùi trượt khỏi ổ khớp. Nếu để lâu, khớp có thể bị thoái hóa và dẫn đến viêm khớp khiến chó bị đau và đi cà nhắc. Mặc dù là bệnh di truyền, nhưng các yếu tố môi trường cũng tác động làm bệnh phát triển như: béo phì, vận động quá mạnh, ăn quá nhiều… Điều trị bằng thuốc trị triệu chứng, bổ sung dinh dưỡng, nếu chó bị quá nặng có thể phải phẫu thuật.
- Trật xương bánh chè: là hiện tượng khớp gối bị trượt khỏi vị trí, bệnh khó phát hiện nếu không chụp X-quang. Chó có thể vẫn hoạt động bình thường và không bị đau, nhưng với những trường hợp nặng cũng gây đau đớn cho chó và đi lại khó khăn.
Cách nuôi và chăm sóc chó Poodle
Chó Poodle có thể thích nghi với mọi môi trường, lối sống, từ căn hộ, nhà phố đến biệt thự sân vườn hay vùng nông thông rộng rãi. Quan trọng nhất là chúng được vận động, tập luyện hàng ngày và có bạn chơi. Ngày nay, Poodle thích sống ở trong nhà hơn ngoài trời (đặc biệt với các dòng Poodle cỡ nhỏ như Miniature và Tiny Toy). Bạn phải luôn chú ý đến trí thông minh của Poodle khi huấn luyện, chúng có thể học rất nhanh cả những thói quen tốt và xấu. Nếu không được huấn luyện tốt, Poodle sẽ có nhiều hành vi và cư xử tệ khi trưởng thành. Bộ lông xoăn dày tuy ít rụng lông nhưng cần được chăm sóc khá cẩn thận, cầu kỳ.
Vận động, tập thể dục
Chó Poodle size nào cũng đều có mức năng lượng cao. Giống chó này cần được tập thể dục 60 phút hàng ngày. Các môn thể dục cùng chủ như chạy bộ, đi dạo, đạp xe hay bơi lội là những lựa chọn ưa thích và hoàn hảo cho Poodle. Có nguồn gốc từ một giống chó săn vịt, Poodle cũng rất thích các trò ném bắt, nhặt và tìm đồ vật cũng như các môn thể thao nhanh nhẹn và vâng lời dành cho chó. Luôn sẵn sàng giao việc, để chú chó của bạn được kích thích cả về tinh thần và thể chất để vui khỏe mỗi ngày.
Chó Poodle ăn gì, thức ăn nào tốt nhất?
Luôn cung cấp nước uống sach cho chó 24/24. Cho chó Poodle con ăn 3-4 bữa/ngày, đối với chó Poodle trưởng thành trên 12 tháng tuổi chỉ cần cho ăn 2 bữa chất lượng cao mỗi ngày. Lượng thức ăn của mỗi chú chó Poodle phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, nhu cầu vận động, độ tuổi, khả năng hấp thu, sức khỏe và sở thích. Bạn nên tham khảo nhà nhân giống, bác sĩ thú y để xây dựng thực đơn cho chú chó của mình. Điều quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày cho chó và kiểm soát cân nặng không để chó bị béo phì, thừa cân dẫn đến các bệnh cơ hội khác như tim mạch, tiểu đường, xương khớp.
Chúng tôi khuyến nghị bạn nên sử dụng sản phẩm thức ăn hạt khô cho chó. Trong thành phần của nhà sản xuất đã có thiết kế cho từng loại, size và độ tuổi của chó, bạn chỉ cần cho chó ăn theo đúng hướng dẫn sử dụng có ghi sẵn trên bao bì. Thi thoảng, bạn có thể cho chó ăn vặt pate, súp thưởng, xúc xích… khi chơi đùa, huấn luyện. Tuy nhiên, tổng lượng calo mỗi ngày không được thay đổi, nếu cho chó ăn thêm đồ ăn vặt, bạn cần giảm khối lượng bữa chính. Ngoài ra, nếu không quá bận rộn, và muốn đổi khẩu vị cho chó, bạn có thể nấu ăn cho chó. Chó là loài ăn thịt, vì vậy thịt (heo, bò, gà…) luộc, hấp hay áp chảo đã cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tự nhiên. Bạn cũng có thể cho chó ăn cơm, cháo trộn thịt, pate… nhưng không nên cho ăn quá nhiều tinh bột.
Lưu ý khi cho chó Poodle ăn:
- Chó Poodle rất ham ăn, đặc biệt các chú Poodle Tiny Toy, chúng rất thích xin đồ ăn trên bàn với ánh mắt nài nỉ, hay thậm chí chắp tay để xin xỏ. Ít chủ nhân có thể từ chối sự đáng yêu này, nhưng nếu chiều quá, chó sẽ thành thói quen xấu cũng như dễ bị tăng cân. Không để thức ăn thừa lưu cữu cả ngày, chó sẽ ăn liên tục không kiểm soát, hoặc đồ ăn dễ bị ôi thịu làm chó bị tiêu chảy. Dọn ngay đồ ăn thừa khi chó ăn xong và giữ vệ sinh sạch sẽ vật dụng ăn uống cho chó.
- Tuyệt đối tránh không cho chó ăn đồ ăn có chứa gia vị: tiêu, tỏi, ớt, hành, mắm muối… hay các chất kích thích rượu bia, cà phê, trà… Đặc biệt, không được cho chó ăn socola rất dễ bị suy thận, thậm chí tử vong.
Vệ sinh và chăm sóc bộ lông
Một trong những điểm nổi bật của giống chó này là không bị rụng lông. Poodle chính là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai bị dị ứng lông chó. Bộ lông xoăn của Poodle có thể được cạo, cắt tỉa, tạo đủ các kiểu mẫu thời trang đa dạng, phong phú. Mặc dù vậy, nếu bạn cho chó tham gia Dogshow, chỉ có 4 kiểu cắt tỉa được lựa chọn theo AKC, cụ thể:
- Puppies: dành cho chó Poodle con dưới 12 tháng tuổi
- Continental, English Saddle và Sporting cho chó Poodle trưởng thành trên 1 tuổi.
Việc chải lông cho Poodle đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn, chúng cần chải lông mỗi ngày và nên được đưa đi Spa chuyên nghiệp 1, 2 tháng/lần để giữ cho vẻ ngoài của chúng luôn hoàn hảo. Nếu bạn đang dự định nuôi một em Poodle, bạn cũng cân xem xét chi phí Spa & Grooming kèm theo. Tuy vậy, cũng không nên quá lo lắng, có nhiều cách chăm sóc lông đơn giản hơn, thậm chí nhiều người chỉ cần cạo lông hoặc tự cắt ngắn mỗi khi chúng mọc quá dài. Đa số người chơi thường cho cún đi Spa cắt tỉa chuyên nghiệp (nơi cung cấp combo dịch vụ tắm, cắt tỉa, cắt mong, vệ sinh răng miệng, vắt tuyến hôi, hậu môn…) nhưng nếu muốn, bạn có thể tự học để cắt tỉa lông chó Poodle tại nhà.
Ngay cả khi cắt ngắn, bạn vẫn cần chải lông hàng ngày cho cún. Do Poodle không rụng lông nên lông của chúng sẽ vón cục, xơ rối nếu không được chăm sóc cần thận. Poodle khá sạch sẽ, bạn không cần tắm thường xuyên trừ khi quá bẩn (1-2 lần/tháng là đủ).
Một số con Poodle có tuyến lệ ướt, chảy nước làm ố vùng lông quanh mắt, đặc biệt với các màu lông sáng như trắng, kem… thì vệt ố càng rõ hơn. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần lau mắt, lông mặt bằng khăn ấm. Kiểm tra, vệ sinh tai cho chó Poodle bằng bông và dung dịch vệ sinh chuyên dùng. Lấy sạch ráy tai, bụi bẩn, xem tai chó có bị mẩn đỏ, ve rận, ghẻ ngứa hay nhiễm trùng, chảy máu, có mùi hôi không. Nếu lông trong ống tai mọc dày, cũng cần nhỏ sạch lông tai cho cún.
Đánh răng hàng ngày cho chó, hoặc ít nhất 2,3 lần/tuần để loại bỏ cao răng, vi khuẩn, ngăn ngừa các bệnh răng miệng và khử mùi hôi. Cắt móng cho chó 2 tuần/lần nếu chó không tự mài móng đủ khi di chuyển. Lưu ý không được cắt phạm vào phần chân móng màu hồng với nhiều mạch máu, sẽ làm chó bị chảy máu rất khó cầm. Tập cho chó làm quen với việc được vệ sinh, chải lông từ khi còn nhỏ 2, 3 tháng tuổi. Hãy biến việc này thành một trải nghiệm thú vị bằng lời khen và thưởng đồ ăn. Chó quen với việc được chăm sóc sẽ dễ dàng hơn nếu phải đi khám, chữa bệnh sau này.
Trong lúc chải lông, vệ sinh cho chó, bạn cần để ý kiểm tra xem có các dấu hiệu bất thường như: phát ban, mẩm đỏ, viêm da, hay chảy dịch nhầy ở mắt, mũi, miệng, các kẽ bàn chân. Mắt chó Poodle phải sạch, trong không bị vằn đỏ hay ghèn rỉ. Nếu phát hiện vấn đề gì, ngay lập tức đưa đến bác sĩ thú y để được tư vấn, chữa trị.
Huấn luyện chó Poodle
Mặc dù rất dễ huấn luyện chó Poodle từ đơn giản (đi vệ sinh đúng chỗ, các lệnh cơ bản: đứng, ngồi, nằm, gọi tên…) đến phức tạp như tìm đồ vật, dạy chó làm toán hay đi bằng 2 chân. Tuy nhiên, bí quyết là bạn cần kiên nhẫn, nhất quán và sử dụng phương pháp huấn luyện tích cực (khen ngợi, động viên, thưởng đồ ăn…) sẽ có hiệu quả cao. Một phương pháp khắc nghiệt (đánh mắng, la hét..) sẽ chỉ mang lại tác dụng ngược.
Bạn có thể tham khảo rất nhiều video, clip huấn luyện chó phổ biến trên mạng xã hội (Youtube, Tiktok, Facebook, Google…) để lựa chọn, áp dụng cho chú cún của mình. Việc huấn luyện không những giúp cho chó ngoan ngoãn, vâng lời, tăng cường vận động thể chất và tinh thần mà còn gắn kết mối quan hệ giữa chủ và chó cưng. Nếu bạn không có thời gian, bạn có thể gửi chó tới các trường huấn luyện chó Poodle. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi, bạn nên tự dạy cún mỗi ngày, điều quan trọng nhất là chó coi bạn là chủ và sợi dây tình cảm của cả 2.
Như bất kì chú chó nào khác, Poodle cũng cần được huấn luyện, xã hội hóa từ khi còn nhỏ 2,3 tháng tuổi để trở nên thân thiện, vui vẻ và có những hành vi tốt.
Quan hệ với trẻ em và vật nuôi khác.
Giống chó này là những người bạn lý tưởng cho trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, đôi khi lũ trẻ trong lúc chơi đùa có thể vô ý làm đau chó, đặc biệt là các dòng nhỏ như Tiny, Toy hay Teacup Poodle. Do đó, bạn luôn phải chỉ bảo cho các bé cách tiếp xúc với một chú chó, để ngăn ngừa mọi hành vi cắt, kéo tai, đuôi từ cả 2 phía. Trẻ em không được tiếp cận bất cứ chú chó nào khi nó đang ăn hoặc ngủ, hay lấy đi đĩa thức ăn của chó.
Nếu nuôi chó Poodle con cùng các chú chó lớn khác trong nhà, chó con sẽ có cơ hội để học hỏi hành vi, cư xử tốt từ các chú chó lớn. Tuy nhiên, nếu nhà bạn chỉ nuôi duy nhất 1 chú chó Poodle, bạn cần phải bỏ ra chút thời gian để đào tạo, huấn luyện chó cách ứng xử, biết nghe lời.
Nhận nuôi hoặc mua chó Poodle ở đâu?
Do giống chó Poodle tại Việt Nam ngày nay khá phổ biến, nên không ít bé bị đi lạc hoặc bị bỏ rơi. Vì vậy, nếu bạn đang cân nhắc chọn nuôi một bé Poodle. Hãy xem xét một cơ hội cho các chú chó đang ở trạm cứu hộ hoặc cơ sở giải cứu chó mèo có một mái ấm gia đình.
Nếu bạn muốn mua một chú chó Poodle con từ nhỏ để các bé gần gũi, gắn bó tình cảm với gia đình hơn thì việc tìm một cửa hàng, trại chó Poodle uy tín là cực kỳ quan trọng. Bạn nên tìm hiểu kỹ về người nhân giống, bán chó Poodle để đảm bảo rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn, đạo đức nhân giống, ưu tiên sức khỏe của cả chó bố mẹ và chó con. Một chú chó Poodle con khi xuất bán phải đảm bảo sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc kiểm tra sức khỏe và môi trường sống của chú chó con Poodle cũng rất quan trọng. Với kinh nghiệm tìm hiểu chủ động như vậy sẽ giúp cho bạn mang về nhà mình một bé cún con hạnh phúc, khỏe đẹp và góp phần ngăn chặn những người nhân giống thiếu trách nhiệm, đối xử tồi tệ với chó giống, chó con (điều kiện nuôi và thức ăn không đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh…) và chạy theo lợi nhuận (bán chó bệnh tật, không tiêm phòng, tẩy giun theo quy định…) đẩy rủi ro cho người mua.
Ngoài ra, tại Hà Nội và Tphcm, Hải Phòng đều có các chợ buôn bán chó cảnh lớn. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn vì ở đây tập trung khá nhiều chó mèo đi lạc, hoặc thậm chí bị bắt trộm. Nếu không may cún cưng của bạn bị mất tích, đây cũng là những địa chỉ mà bạn có thể ra chuộc lại. Ở Tphcm, bạn có thể tìm mua chó Poodle con, trưởng thành giá rẻ ở khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 10, Tphcm), đường Trường Chinh, Cộng Hòa (Tân Bình) khúc giáp với quận 12. Tại Hà Nội, bạn có thể tìm hiểu các nơi bán chó Poodle giá rẻ, thuần chủng và Poodle lai ở khu vực chợ Bưởi, Hoàng Hoa Thám, đường Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng), hay chợ Hà Đông. Tại Hải Phòng, ở khu vực chợ Hàng cũng có bán sẵn rất nhiều loại chó mèo, trong đó có cả Poodle.
Chó Poodle giá bao nhiêu tiền?
Poodle đã du nhập vào Việt Nam từ cách đây gần 20 năm, có lẽ đây là giống chó cảnh thuần chủng phổ biến và được ưa chuộng nhất tại nước ta hiện nay. Đặc biệt là dòng Poodle Tiny (hay Toy) với ưu điểm là nhỏ gọn, thích hợp với cuộc sống ở các đô thị như Tphcm, Hà nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Do số lượng nhiều và quen thuộc nên hầu hết chó Poodle tại Việt Nam hiện tại không ai làm giấy. Trừ một số ít chơi dòng Standard Poodle khổng lồ tham gia các Dogshow của VKA mà thôi.
Giá chó Poodle ở Việt Nam khá rẻ, chỉ tầm 3,4 triệu bạn đã có thể mua được một em Tiny Poodle thuần chủng các màu phổ biến như: nâu đỏ, vàng mơ… rồi. Giá bán chó Poodle phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là ngoại hình. Cụ thể:
- Chó Poodle các màu đẹp, độc lạ (xám, bò sữa, trắng, đen…) thì sẽ có giá cao hơn các màu phổ biến (vàng mơ, kem, nâu đỏ…).
- Chó Poodle có các đặc điểm ngoại hình đẹp, nổi bật, khác biệt được ưa chuộng như: Poodle tai bướm (dựng) sẽ có giá đắt hơn Poodle tai cụp thông thường. Poodle chân cao (dài) có giá rẻ hơn các bé Poodle chân ngắn. Các bé có nhan sắc xinh xắn, bụ bẫm, gương mặt và mắt to tròn, cơ thể, màu mảng cân đối cũng có giá cao hơn các bé bình thường, xấu, còi cọc hay thậm chí bị tật lỗi, nấm ghẻ hay mắc bệnh.
- Tại Việt Nam dòng Poodle Tiny là phổ biến nhất, các bé có kích thước càng nhỏ sẽ có giá cao hơn. Đặc biệt dòng Poodle Teacup lúc bé chỉ nhỏ như tách trà có giá không dưới 10 triệu đồng.
- Dòng Poodle Standard và Miniature có kích thước lớn nên không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, không có mức giá cụ thể mà căn cứ theo từng thời điểm có đàn hay không. Mặc dù vậy, chính vì do hiếm và ít người chơi nên giá của 2 dòng chó Standard Poodle khổng lồ và Poodle Mini đều không dưới 10 triệu đồng/bé.
Ngoài yếu tố ngoại hình kể trên, giá chó Poodle còn phụ thuộc và các yếu tố phụ khác như: nguồn gốc (chó Poodle lai giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu), độ tuổi (giá chó Poodle con thường cao hơn trưởng thành, trừ là chó giống), giới tính (chó Poodle cái thường đắt hơn Poodle đực do khả năng sinh sản), chế độ bảo hành (bảo hành càng lâu, nhiều bệnh sẽ có giá bán cao hơn), giao nhận, hậu mãi (quà tăng, tư vấn) cũng như uy tín của người bán chó Poodle.
Ghi chú: nếu bạn găp những tin rao bán chó Poodle giá rẻ 100k, 200k, 300k, 500k, 700k đến dưới 1 triệu thì chắc chắn đó là lừa đảo, hoặc bán chó bệnh, tật lỗi. Với mức giá trên chỉ đủ tiêm 1,2 mũi vacxin, tẩy giun. Không thể bù đắp chi phí nuôi chó giống, giao phối, chăm chó Poodle mẹ mang thai, sinh sản, nuôi chó Poodle con trong suốt 5-6 tháng.
Tổng kết
Chó Poodle hiện đang là một trong những giống chó cảnh phổ biến nhất tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Sở dĩ chúng được ưa chuộng như vậy do có những đặc điểm nổi trội về ngoại hình, tính cách. Chúng tôi xin tổng hợp lại để bạn dễ tham khảo như sau:
- Có đa dạng các kích thước (từ 1-trên 30kg, màu sắc (đen, trắng, vàng, xám, nâu đỏ bò sữa…). Dễ thích nghi với mọi lối sống, môi trường cả thành thị và miền quê.
- Trí thông minh tuyệt đỉnh, chủ nuôi sẽ cảm giác chúng có thể hiểu chuyện như con người vậy.
- Dễ huấn luyện
- Cực ít rụng lông, sạch sẽ và ít mùi hôi.
- Ngọt ngào, tình cảm rất quấn chủ và thân thiện với chó mèo, vật nuôi khác trong nhà.
- Đặc biệt thích hợp để chơi với trẻ em, người già cô đơn.
Nhược điểm
- Cần chăm sóc, chải chuốt thường xuyên nếu muốn giữ vẻ ngoài luôn sạch đẹp, thời trang
- Có nhu cầu vận động cao, tối thiểu 1h mỗi ngày, có thể không phù hợp với người bận rộn.
- Thông minh nên học thói quen xấu cũng nhanh, cần chú ý huấn luyện điều chỉnh hành vi.
Trên đây là bài viết của Dogily.vn giới thiệu tổng hợp các thông tin về giống chó Poodle. Từ lịch sử, nguồn gốc cho tới đặc điểm về ngoại hình, tính cách, chăm sóc, giá bán và nơi mua. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trước khi quyết định chọn mua một chú chó Poodle dễ thương về nuôi.
Như bất kì giống chó nào, nếu bạn thích Poodle, bạn hãy chắc chắn là mình đã nghiên cứu thật kĩ khi chuẩn bị nuôi. Hãy trao đổi thêm với các bác sĩ thú y, những người nhân giống, tham khảo các cửa hàng, shop bán chó Poodle, các nhóm cứu hộ chó mèo để tìm hiểu thêm.
Chúc bạn luôn hạnh phúc với chú chó cưng của mình. Và nhớ theo dõi Dogily.vn trong các bài viết tiếp theo để tìm hiểu về các giống chó mèo thú vị trên thế giới nhé.
Cảm ơn bạn đã quan tâm và dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi.
Các câu hỏi thường gặp
Poodle có sống tốt trong căn hộ, chung cư không?
- Với các size nhỏ hơn như Miniature, Toy hay Tiny Poodle có thể sống thoải mái trong căn hộ, kể cả những diện tích chật hẹp, miễn là chúng được vận động mỗi ngày. Dòng Poodle Standard khổng lồ (cỡ đại lớn) cũng có thể sống ở căn hộ nhưng cần diện tích rộng rãi hơn và được tập thể dục đầy đủ.
Chó Poodle có sủa nhiều không?
- Poodle là giống chó khá ồn ào và sủa rất nhiều. Đây là bản năng phổ biến ở hầu hết các giống chó, đặc biệt là các loại chó nhỏ như Poodle, Phốc sóc. Chúng sẽ sủa liên hồi khi bị kích động do có người lạ, âm thanh, những con chó và loài vật khác, hoặc khi bị bỏ lại một mình quá lâu. Vì vậy, việc xã hội hóa và huấn luyện chó Poodle ngưng sủa từ nhỏ là rất cần thiết. Đặc biệt là khi bạn sống trong chung cư với những hàng xóm không thích sự ồn ào.