Chó Phốc sóc (hay còn gọi là chó Pomeranian, Pom) là một giống chó nhỏ, được hầu hết các tổ chức chó giống quốc tế phân loại vào nhóm Toy Dogs (chó đồ chơi), với cân nặng chỉ từ 1,3-3,2kg. Tuy nhỏ bé nhưng chúng có bộ lông kép dài, dày dặn giống như những người họ hàng thuộc nhóm chó Spitz khác (chó Alaska, Samoyed, Husky…). Tuy rất thân thiện, nhưng chó Pom thường tỏ ra khá “đanh đá“, hay sủa và không ngại “khiêu khích” những chú chó to lớn hơn, chủ yếu do chúng tưởng mình cũng có kích thước lớn như đối thủ. Do đó, Phốc sóc không phải là một giống chó cho tất cả mọi người.
Xem video Boo – Chú chó Phốc sóc mặt gấu cute nhất thế giới sau đây:
Các gia đình có trẻ em còn quá bé chưa phù hợp để nuôi những chú chó Pomeranian bé nhỏ nhưng khá bướng bỉnh. Chúng thích hợp với những gia đình có trẻ em lớn, điềm tĩnh và biết chơi với chó nhỏ hơn. Nếu được huấn luyện xã hội hóa từ nhỏ, Phốc sóc sẽ trở thành bạn đồng hành và thú cưng lý tưởng, trung thành và thậm chí còn biết trông nhà hiệu quả. Chó Phốc sóc có thể sống được tới 15 năm nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
Trong bài viết này, hãy cùng Dogily.vn tìm hiểu tất tần tật mọi thông tin về giống chó Phốc sóc Pomeranian. Từ lịch sử, nguồn gốc, đặc điểm về ngoại hình, tính cách, cách nuôi và chăm sóc giống chó nhỏ cute, dễ thương này nhé!
Thông tin tóm tắt giống chó Phốc sóc Pomeranian
Mặc dù có kích thước nhỏ bé, nhưng chó Pom lại có tính cách rất hoạt bát, năng động và táo bạo. Có thể nói chó Phốc sóc có tính cách của một chú chó lớn trong thân hình bé nhỏ của mình. Rất cảnh giác, chó Pom có thể đóng vai trò như một chú chó canh gác tốt. Mặc dù vậy, tiếng sủa lớn, sủa khá nhiều của Phốc sóc có thể ảnh hưởng đến hàng xóm nếu bạn sống ở chung cư, căn hộ hoặc nhà phố.
Trong gia đình, Phốc sóc thân thiện tình cảm với mọi người, nhưng chúng có xu hướng gắn bó hơn với một người (thường là người thường xuyên cho ăn, chơi đùa thân thiết cùng). Sau đây là một số thông tin tổng quan về giống chó này:
- Chiều cao tới vai: 15,24-17,78cm
- Trọng lượng trưởng thành: 1,361-3,175kg.
- Xuất xứ: Đức, Ba Lan
- Bộ lông: 2 lớp, lớp ngoài dài, thô có tác dụng bảo vệ, lớp lông tơ mềm mịn bên trong để giữ ấm. Mức độ rụng lông trung bình.
- Màu sắc: bao gồm nhiều màu sắc và hoa văn phong phú. Gồm có màu đơn: trắng, đen, vàng (từ đậm đến nhạt), nâu socola, kem, blue … và họa tiết: black & tan, blue merle, parti…
- Tính cách: vui vẻ, mức độ tình cảm cao, quấn chủ nhưng không quá thân thiện với vật nuôi khác. Rất táo bạo nhưng cảnh giác cao, có xu hướng sủa nhiều. Rất thông minh, nhưng khá bướng bỉnh nên Phốc sóc không dễ để huấn luyện. Có mức năng lượng trung bình nên không cần vận động, tập thể dục quá nhiều.
- Nhóm chó: Toy Dogs (chó đồ chơi) theo FCI (Hiệp hội chó giống quốc tế) và AKC (Câu lạc bộ chó giống Hoa Kỳ).
- Tuổi thọ: 12-16 năm.
- Dị ứng: có thể gây dị ứng với người bị dị ứng lông chó mèo.
- Tên gọi khác: chó Fox sóc, chó Phốc sóc mini, chó Pom mini, chó Phốc lông xù, chó Phốc lông xù mini, Pomeranian, Pom, Zwergspitz, Dwarf Spitz, Fox Dog, Pommer, Wolfsspitz German Spitz, Volpino (tiếng Ý),Lulu, Loulou (tiếng Pháp), Lyca (tiếng Nga) …
Nguồn gốc, lịch sử chó Pomeranian
Chó Phốc sóc Pomeranian hiện đại có nguồn gốc từ vùng Pomerania (Ba Lan và Tây Đức). Xa hơn nữa, giống chó này được coi là hậu duệ của một giống chó Spitz ở vùng Bắc Cực băng giá của Iceland và Lapland (Phần Lan). Tổ tiên của Spitz lớn hơn nhiều so với chó Pom ngày nay, chúng được sử dụng để chăn gia súc, canh gác và kéo xe trượt tuyết.
Spitz là một nhóm chó cổ xưa, có nhiều đặc điểm rất gần với chó sói. Điểm nổi bật nhất của nhóm chó này là đôi tai nhỏ, nhọn hình nêm giúp chúng không bị tê cóng và bộ lông kép 2 lớp, lớp bảo vệ thô cứng và lớp lông tơ dày, mịn có tác dụng giữ nhiệt. Pomeranian hiện đại là thành viên nhỏ nhất trong gia đình Spitz với Alaskan Malamute, Samoyed, Husky, Norwegian Elkhound , Schipperke , German Spitz và chó Eskimo…
Khoảng vài trăm năm trước, tổ tiên của chó Pom đã được đưa đến vùng bờ biển phía nam của biển Baltic (vùng Pomerania). Tại đây, chúng bắt đầu được thu nhỏ kích thước còn khoảng 13-18kg. Các nhà nghiên cứu Đức cho rằng, Pomeranian là một phần của nhóm chó German Spitzen, một nhánh của nhóm chó Spitz, với năm kích cỡ khác nhau, và chó Pom có kích thước nhỏ nhất. Trước khi được đặt tên theo vùng Pomerania, chó Phốc sóc còn được biết đến với rất nhiều tên gọi khác như: Zwergspitz, Wolfsspitz German Spitz, Volpino, Lulu, Fox Dog… Một điều thú vị là người Đức không chấp nhận tên gọi chó Pomeranian mãi cho đến năm 1974.
Tài liệu hiện đại đầu tiên nhắc đến giống chó Pomeranian là cuốn sách Boswell on the Grand Tour: Germany and Switzerland xuất bản ngày 2/11/1764 của James Boswell . Trong một đoạn nhật ký của ông có ghi: “Người đàn ông Pháp có một con chó Pomeranian tên là Pomer mà ông rất yêu quý.”
Các thành viên của Hoàng gia Anh đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của giống chó này là Vương hậu Charlotte (1744-1818, người Đức, ), sau khi kết hôn với Vua George III của Anh (1738-1820) đã mang theo 2 chú chó Pom có tên là Phebe và Mercury (nặng khoảng 9kg, rất nhỏ vào thời điểm này) đến Anh năm 1767. Năm 1779, trong bức tranh Vương hậu Charlotte của họa sĩ Benjamin West có vẽ bà cùng với một chú chó Pom màu trắng nằm dưới chân.
Trong cung điện hoàng gia luôn có “bồn tắm vuông” dành riêng cho các chú chó của hoàng gia. Vương hậu Charlotte cũng có thói quen tặng những chú chó Pom cho các cung nữ và các cận thần của mình. Có thể nói Vua George III và vương hậu Charlotte đã đặt nền tảng cho tình yêu với chó Pom nói riêng và các giống chó khác nói chung trong truyền thống của Hoàng gia Anh. Điều này đã làm thay đổi và phát triển rất nhiều giống chó hiện đại.
Con trai của Vua George III và vương hậu Charlotte, Vua George IV (1762-1830) tiếp nối tình yêu chó Pomeranian. Chú chó Pom đen trắng có tên Fino của ông từ khi còn là Công tước xứ Wales đã được danh họa George Stubbs (1724-1806) vẽ trong bức tranh Fino và Tiny năm 1791.
Trong thời kỳ này (thế kỷ 18-19), kích thước của những chú chó Pomeranian vẫn còn khá lớn (khoảng 14-23kg), nhưng đã mang đầy đủ các đặc điểm khác của chó Pom hiện đại với đuôi cong trên lưng và bộ lông dày 2 lớp. Có thể thấy điều này qua 2 bức tranh ở trên cũng như một số bức tranh của danh họa Thomas Gainsborough (1727-1788) sau đây:
Năm 1873, Câu lạc bộ chó giống Anh (The Kennel Club) được thành lập, và chó Pom là một trong những giống chó đầu tiên được công nhận dưới tên gọi chó Spitz. Những chú chó này có cân nặng tiêu chuẩn khoảng 8-9kg
Nữ hoàng Victoria(1819-1901), cháu nội của Vua George III và vương hậu Charlotte tiếp nối tình yêu này và đã thành lập một trại chó lớn, và trực tiếp lai tạo hơn 15 giống chó khác nhau trong suốt 64 năm làm nữ hoàng Anh. Năm 1888, trong một chuyến công du tới Florence, Ý, bà đã tìm thấy một chú chó Pom nhỏ (chỉ nặng khoảng 5,4kg), được đặt tên là “Windsor’s Marco”. Khi nữ hoàng cho Marco tham dự triển lãm chó quốc tế Crufts lần đầu tiên năm 1891 do Câu lạc bộ chó giống Anh tổ chức, Nữ hoàng đã cho Marco và 6 chú chó tham dự, và Marco đã giành Best In Show. Kích thước nhỏ của chú chó này đã tạo nên một nguồn cảm hứng mới, các nhà nhân giống giai đoạn này bắt đầu lựa chọn những chú chó Pom có kích thước nhỏ hơn để nhân giống.
Trong suốt cuộc đời nữ hoàng Victoria, kích thước của giống chó Pomeranian đã giảm đi khoảng 50%. Nữ hoàng đã lựa chọn và nhập khẩu những chú chó Pom nhỏ với nhiều màu sắc đa dạng từ khắp châu Âu để phát triển chương trình nhân giống của mình. Sau Marco, chú chó cái Gena (hay Gina, chỉ nặng khoảng 3,4kg) của nữ hoàng cũng rất nổi tiếng khi giành rất nhiều danh hiệu vô địch ở vương quốc Anh. Nữ hoàng yêu giống chó này đến nỗi, khi hấp hối bà đã yêu cầu đưa chú chó Pom (tên là Turi, được mua năm 1893) yêu thích nhất của mình đến bên giường bệnh.
Trong giai đoạn 1900-1930, chó Pom chiếm số lượng đa số trong các triển lãm chó quốc tế Crrufts hàng năm ở vương quốc Anh. Giai đoạn này, kích thước chó Pomeranian đã giảm xuống như hiện nay, với màu sắc và hoa văn trở nên phong phú hơn. Ban đầu đa số chó Pomeranian có các màu đen, trắng, nâu socola hoặc blue (xanh lam)… Kể từ năm 1920, một chú chó Phốc sóc màu vàng cam (orange) giành chức vô địch, nhiều họa tiết và màu sắc đã được bổ sung thêm.
Từ Anh, giống chó Pom đã lan rộng ra khắp thế giới. Chú chó Pomeranian đầu tiên có tên Dick được ghi và số phả hệ của AKC (Câu lạc bộ chó giống Mỹ) năm 1888. Năm 1892, chó Pom bắt đầu được tham dự một cuộc thi Dogshow tại New York. AKC chính thức công nhận giống chó này năm 1900 và nhanh chóng được ưa chuộng và trở nên phổ biến khắp nước Mỹ. Năm 1909, Câu lạc bộ chó Pomeranian Hoa Kỳ được chấp thuận là thành viên của AKC. Trong suốt những năm 1930s, Pomeranian nằm trong Top 10 giống chó phổ biến nhất của AKC.
Xem video những chú chó Pomeranian hàng đầu thế giới tại Westminster Kennel Club Dog Show 2024 sau đây:
Ngoài hoàng gia Anh, rất nhiều thành viên các hoàng gia châu Âu cũng nuôi chó Pom như: hoàng hậu Pháp Marie Antoinette (1755-1793), Joséphine de Beauharnais (1763-1814), hoàng hậu của hoàng đế lừng danh Napoleon Bonaparte (Pháp).
Một số nhân vật lịch sử cũng nuôi chó Phốc sóc, có thể kể đến như: nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart (1756-1791) với chú chó Pimperl, Frédéric Chopin (1810-1849) đã lấy cảm hứng từ chú chó Pom của mình cho nhạc phẩm “Waltz of the Little Dogs”, nghệ sĩ Michelangelo (1745-1564), nhà văn Émile Zola(1840-1902) nhà vật lý Isaac Newton (1642-1726) với chú chó Pom tên Diamond hay nhà thần học Martin Luther với chú chó Pom tên Belferlein. Trong vụ đắm tàu Titanic, có 2 trong 3 chú chó Pom được cứu sống.
Cách nuôi và chăm sóc chó Pom
Chó Phốc sóc cần được tập thể dục và huấn luyện thường xuyên để trở nên khỏe đẹp, hạnh phúc. Mặc dù có vóc dáng nhỏ bé, nhưng bộ lông dày của chó Pom đòi hỏi được quan tâm chăm sóc cẩn thận. Ngoài ra, bạn cần để ý đến cún cưng khi thời tiết nắng nóng, với chó lớn hay các vật nuôi khác vì sự nhỏ nhắn này.
Vận động, tập thể dục
Tuy nhỏ, nhưng chó Phốc sóc khá ưa vận động với mức năng lượng trung bình. Vì vậy, bạn cần cho chó vận động, tập thể dục tối thiểu 60 phút mỗi ngày, có thể chia thành 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Hình thức vận động tốt nhất là đi dạo vào chơi đùa cùng chủ, hoặc thả cho chó chơi đùa tự do trong sân vườn (hoặc nơi có hàng rào an toàn). Pomeranian nổi tiếng là những chuyên gia đào tẩu qua khe hở hàng rào, hoặc những chỗ thấp có thể leo qua được.
Là giống chó có nguồn gốc từ xứ lạnh, chó Pom có thể bị nóng nực trong thời tiết mùa hè ở Việt Nam. Do đó, bạn không nên cho chó ra ngoài khi trời nắng nóng. Dù nhỏ bé, nhưng chó Phốc sóc khá đanh đá, và luôn nghĩ mình to lớn như tổ tiên xưa kia. Vì vậy, bạn phải luôn để mắt tới chú chó của mình, chúng có thể gây chiến và nhận những hậu quá khó lường nếu gặp những chú chó lớn, dữ dằn…
Vệ sinh và chải lông
Giống chó Phốc sóc Pomeranian có bộ lông kép dầy, bông xù. Đây chính là một trong những điểm quyến rũ nhất của giống chó này. Vì vậy, bạn cần chải lông thường xuyên hàng tuần để duy trì vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ này. Dùng bàn chải ghim và bàn chải lông mềm chuyên dụng sát tận da để loại bỏ lông rụng và ngăn ngừa lông bị bết và xơ rối. Chó Phốc sóc rụng lông vào mùa xuân và thu, thời điểm này cần chải lông thường xuyên hơn 2,3 lần/tuần. Bên cạnh đó, chó Pom cần được cạo lông quanh hậu môn và cơ quan sinh dục để ngăn không bị phân và nước tiểu bám vào. Tốt nhất hàng tháng bạn nên đưa chó đi spa chuyên nghiệp, nơi cung cấp combo dịch vụ (tắm, cắt tỉa, cắt móng, cạo vôi răng, vắt tuyến hôi, sấy bông và xức dầu thơm…).
Pomeranian cũng có thể hay bị chảy nước mắt làm ố vùng lông quanh mắt, đặc biệt là với các chú chó có bộ lông sáng màu. Kiểm tra mắt chó hàng ngày và lau bằng khăn ấm. Vệ sinh, lấy ráy tai, chất bẩn cho cún bằng bông và dung dịch chuyên dùng. Cắt móng cho chó 2 lần/tháng hoặc khi móng quá dài (phát ra tiếng lách cách khi chó chạy trên sàn cứng). Đánh răng mỗi ngày hoặc tối thiểu 2, 3 lần/tuần để ngăn ngừa các bệnh răng miệng và khử mùi hôi.
Chó Phốc sóc ăn gì?
Vì nhỏ bé, nên chó Phốc sóc cần lượng thức ăn ít hơn so với các giống chó cảnh lớn. Do đó, bạn cần cho chó ăn thức ăn có chất lượng, cân bằng dinh dưỡng. Có thể cho chó Phốc sóc trưởng thành ăn 2 bữa, hoặc 3 bữa nhỏ mỗi ngày (đối với các chú chó hay bị hạ đường huyết. Với chó Phốc sóc con dưới 1 tuổi, bạn có thể cho chó ăn 3, 4 bữa/ngày. Vấn đề quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và không để cho chó bị béo phì. Với thân hình bé xíu, nếu bị thừa cân sẽ dẫn đến các bệnh xương khớp, tim mạch và tiểu đường.
Mỗi chú chó sẽ có nhu cầu thức ăn khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước, sức khỏe, khả năng hấp thu và sở thích… Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có kinh nghiệm để xây dựng thực đơn hợp lý cho chó. Chúng tôi khuyến nghị bạn nên cho chó ăn thức ăn hạt khô của các thương hiệu uy tín như Royal Canin, Smartheart.. Trong thành phần hạt có đầy đủ tỷ lệ dinh dướng cần thiết được nhà sản xuất thiết kế cho từng loại chó, từng lứa tuổi. Nếu rảnh rỗi, bạn cũng có thể nấu ăn để đổi khẩu vị cho cún. Chó là loài ăn thịt, vì vậy, thức ăn đơn giản và đủ dinh dưỡng tự nhiên nhất là các loại thịt heo, bò, gà … sống (nếu có nguồn sạch, an toàn), hấp luộc hoặc áp chảo. Hạn chế cho chó ăn tinh bột (cơm, cháo, bắp…), chó sẽ khó hấp thu và dễ bị tăng cân.
Những lưu ý khi cho chó Phốc sóc ăn:
- Cung cấp nước uống sạch 24/24 cho chó. Giữ vệ sinh đồ dùng ăn uống cho chó sạch sẽ, sau khi rửa xong nên phơi nắng cho khô ráo.
- Không để thức ăn thừa lưu cữu cả ngày. Nhiều chú chó Pom rất ham ăn, sẽ ăn không kiểm soát, đối với giống chó tí hon này, việc tăng 1 vài gram đã là cả một vấn đề. Ngoài ra, đồ ăn để lâu có thể bị hư hỏng, ôi thiu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chó. Do đó, ngay sau khi chó ăn xong cần lấy ngay đồ ăn thừa đi.
- Không nên cho chó ăn đồ ăn của người có chứa gia vị (tiêu, hành, tỏi, ớt, mắm, muối…) hoặc chất kích thích (rượu bia, trà, cafe…). Tuyệt đối không cho chó ăn socola làm chó bị suy thận, thậm chí tử vong.
Huấn luyện, đào tạo
Phốc sóc không phải là một chuyên gia về đào tạo vâng lời như Border Collie hay Poodle. Huấn luyện cho chó Phốc sóc đi vệ sinh đúng chỗ, ngưng sủa và các lệnh cơ bản như đứng, ngồi, nằm, gọi tên … đã là khá đủ với giống chó này rồi. Tuy cực kì thông minh, nhưng chúng khá bướng bỉnh và có chút cá tính độc lập. Vì vậy, khi huấn luyện bạn cần nhất quán, kiên trì và áp dụng các phương pháp tích cực (khen ngợi, động viên, thưởng đồ ăn…) sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Mọi sự đối xử khắc nghiệt (đánh đập, la mắng…) chỉ mang lại tác dụng ngược.
Như hầu hết các giống chó khác, chó Pom cần được huấn luyện, xã hội hóa ngay từ khi còn là chó con 2, 3 tháng tuổi. Đặc biệt là huấn luyện cho chó đi vệ sinh đúng chỗ ngay từ lúc bắt đầu về nhà mới, giúp chó không hình thành thói quen xấu. Cho chó giao lưu với nhiều người, vật nuôi, cảnh quan và âm thanh khác nhau… những kỹ năng tích lũy được sẽ giúp cho Phốc sóc có hành vi và cư xử tốt, trở thành một chú chó toàn diện khi trưởng thành.
Khá cảnh giác và hay sủa, việc dạy cho chó ngưng sủa là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn sống trong môi trường đô thị và không muốn làm phiền đến hàng xóm, láng giềng. Chúng cũng không ngại đối đầu với các chú chó to lớn hơn, vì vậy, bạn phải kiểm soát bằng dây dắt và huấn luyện chó không được chạy xa chủ khi ra ngoài. Nếu nhà có trẻ nhỏ, bạn cũng phải dạy cho các bé cách tiếp cận và đối xử để chó Pom tí hon không bị đau khi chơi đùa. Do kích thước nhỏ xinh, nên chó Pom có thể bị chấn thương khi nhảy lên xuống bậc thang, đồ vật cao (sofa, bàn ghế, giường…). Chó phải được dạy điềm tĩnh, không được nhảy từ trên cao xuống nếu không được chủ đón. Đây là những kỹ năng bắt buộc phải có để giữ an toàn cho chó.
Sức khỏe và bệnh thường gặp
Tuy nhỏ bé, nhưng Phốc sóc nhìn chung là giống chó khỏe mạnh. Mặc dù vậy, như bất kì giống chó, chú chó nào, chúng cũng có thể gặp một số vấn đề sức khỏe di truyền. Tất nhiên, không phải chú chó Pom nào cũng sẽ mắc một hay tất cả các bệnh được liệt kê dưới đây. Nhưng nếu bạn chuẩn bị mua một chú chó Phốc sóc con về nuôi, bạn cần biết để cân nhắc, quyết định. Sau đây là một số bệnh phổ biến ở giống chó Phốc sóc Pomeranian, bao gồm:
- Các bệnh về xương khớp: hay gặp nhất là loạn sản xương hông và trật xương bánh chè. Là tình trạng xương đùi, xương bánh chè bị trượt khỏi vị trí khớp. Một số trường hợp chó không có biểu hiện gì lạ bên ngoài. Chỉ có thể chẩn đoán bằng chụp X-quang. Dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng này là chó bị đau, đi lại khập khiễng. Nếu để nặng chó có thể bị biến chứng dẫn đễn viêm khớp. Mặc dù vậy, do là giống chó nhỏ nên Pom không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn có thể có cuộc sống bình thường, không giống như các giống chó lớn cần phải phẫu thuật để đi lại bình thường.
- Hạ đường huyết: rất hay xảy ra ở chó Pom và các giống chó nhỏ khác. Dấu hiệu chó mệt mỏi, lờ đờ, đi đứng yếu ớt, mất phương hướng và run rẩy. Cho chó uống nước đường hay mật ong hoặc truyền glucozo kịp thời cho chó. Cho chó ăn thành nhiều bữa nhỏ nhằm cung cấp kịp thời calo cho nhu cầu hoạt động của chó.
- Xẹp khí quản: là bệnh mãn tính, khí quản là bộ phận dẫn không khí đến phổi, khi có xu hướng bị xẹp lại làm chó bị ho khan dai dẳng, khó thở và gây khó chịu khi chó vận động. Bệnh có thể điều trị được bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Các bệnh về mắt: gồm có đục thủy tinh thể, khô mắt (do viêm kết, giác mạc), viêm tuyến lệ và đặc biệt là teo võng mạc tiến triển (PRA). Các chứng bệnh này nhẹ thì gây khó chịu, giảm thị lực của chó. Một số trường hợp để nặng, biến chứng có thể làm cho chó bị mù. Đưa chó đi khám ngay nếu bạn thấy mắt chó có vằn đỏ, chảy nước mắt quá nhiều hay bị viêm nhiễm, ghèn rỉ…
- Động kinh, co giật: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các cơn co giật ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Nếu là động kinh do bệnh lý di truyền không quá lo ngại vì có thể chữa trị được, mặc dù triệu chứng rất đáng sợ khi chứng kiến. Co giật còn liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý khác. Tốt nhất bạn nên đưa chó cấp cứu ngay nếu bị động kinh hoặc lên cơn co giật.
- Dị ứng: một số chú chó Phốc sóc có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với đồ vật và thực phẩm, phổ biến nhất là dị ứng phấn hoa. Nếu thấy chó liếm chân, gãi lên mặt nhiều, khả năng chó bị dị ứng.
- Các bệnh về răng miệng: giống chó này dễ bị các bệnh về răng và thường bị rụng răng sớm. Đánh răng thường xuyên và đưa chó đi kiểm tra răng định kỳ để phát hiện các bệnh về nướu và răng cho chó.
- Suy giáp: là hiện tượng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, biểu hiện chó bị béo do giữ nước, lờ đờ và lông mỏng.
Tiêm phòng, tẩy giun đầy đủ cho chó theo lịch hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao do virus như: parvo, care… Cho chó đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm để phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có) nhằm điều trị kịp thời. Tập cho chó quen với việc được khám chữa bệnh (uống thuốc, tiêm, thăm khám, ở trong lồng…) từ nhỏ, để chó không bị kích động hoảng sợ khi đến bác sĩ hoặc gửi khách sạn.
Nơi để nhận nuôi hoặc mua một chú chó Phốc sóc Pomeranian ở đâu?
Khi chuẩn bị nuôi một chú chó Phốc sóc, bạn nên cân nhắc, ưu tiên nhận nuôi từ các trạm cứu hộ động vật, để có thêm một cơ hội cho những chú chó đang cần một mái ấm gia đình yêu thương.
Nếu bạn muốn mua một chú chó Phốc sóc con từ nhỏ, để có những trải nghiệm chăm sóc, gắn kết khi bé lớn lên cùng gia đình, thì việc lựa chọn một cửa hàng, trại chó Phốc sóc uy tín là rất quan trọng. Bạn cần tìm hiểu kỹ người bán chó Pom xem họ có trách nhiệm, ưu tiên sức khỏe, hạnh phúc của chó không (môi trường, điều kiện nuôi dưỡng, uy tín trên mạng xã hội…). Những người nhân giống uy tín sẽ ưu tiên sức khỏe cả về thể chất và tính cách của chú chó Phốc sóc con. Kiểm tra sức khỏe, chích ngừa tẩy giun đầy đủ, huấn luyện xã hội hóa mới để tạo ra những chú chó Phốc sóc con khỏe mạnh, hòa đồng và thân thiện, không cho nhân giống những chú chó có vấn đề di truyền (như: loạn sản xương hông, đục thủy tinh thể, thiếu tinh hoàn…).
Khi chọn mua chó Phốc sóc con, tốt nhất bạn nên đến tận nơi xem trực tiếp bố mẹ cùng các anh chị em trong đàn ở trại, cửa hàng. Nếu bố mẹ và đàn con đẹp đồng đều, tính cách điềm tĩnh và hành vi tốt thì đó là một ưu điểm. Thả chú chó Pom mà bạn định mua ra ngoài chơi tầm 10-15 phút, chó con phải tự tin nhưng không quá hung dữ (cắn các bé khác) hoặc nhút nhát (trốn vào trong góc), không bị tật lỗi (đi lại bình thường), nấm ghẻ, ve rận, hậu môn không dính phân lỏng (đặc biệt là có vệt máu). Cách tiếp cận chủ động này sẽ giúp bạn mua được một chú chó Pom khỏe mạnh, hạnh phúc và góp phần ngăn chặn những người nhân giống chó phi đạo đức.
Những người nhân giống thiếu trách nhiệm sẽ chỉ quan tâm đến lợi nhuận hơn là tạo ra những chú chó khỏe đẹp, có tính tình và sự thích nghi tốt. Thậm chí, họ không sàng lọc và cho nhân giống cả những bé có vấn để về sức khỏe di truyền, nuôi nhốt như trại heo, không quan tâm xã hội hóa cho chó con đúng cách. Những chú chó Phốc sóc con từ những người nhân giống này sẽ dễ bị bệnh di truyền và virus (parvo, care…), nấm, vi khuẩn (viêm da, ghẻ, ngứa…), cũng như gặp các vấn đề về lỗi hành vi, tính cách.
Bạn cũng có thể chọn mua chó Phốc sóc online trên các nền tảng Google, Facebook Youtube, Tiktok… Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng lừa đảo mua bán chó trên mạng rất phổ biến, bạn cần tìm hiểu kỹ, thận trọng khi giao dịch.
Tại Tphcm, Hà nội hay các thành phố lớn khác, bạn có thể tìm mua chó Phốc sóc lai và thuần chủng ở các chợ bán chó mèo. Cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể tìm mua chó Pom ở đường Lê Hồng Phong (quận 10) hay những người bán chó dạo ở cuối đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) khúc giáp quận 12. Tại Hà Nội, bạn có thể tìm mua chó Phốc sóc ở dốc chợ Bưởi, Hoàng Hoa Thám hoặc phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng) hoặc chợ Hà Đông. Ở Hải Phòng có chợ Hàng cũng bán khá nhiều chó mèo để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý do chó mèo tại đây có nguồn gốc rất phức tạp, không rõ ràng, hầu như ít kiểm soát bệnh tật. Không ít bé bị đi lạc hoặc bắt cóc đem bán ở đây. Nếu bạn bị mất chó mèo gần khu vực này có thể ra các tụ điểm này để tìm kiếm, xác xuất tìm lại được khá cao.
Chó Phốc sóc giá bao nhiêu tiền?
Phốc sóc Pomeranian là giống chó có sự dao động về giá bán rất lớn so với các loại chó cảnh khác. Một chú chó lai (Phốc sóc lai Nhật, Phốc sóc lai Bắc Kinh hay Chihuahua, thậm chí chó ta, chó cỏ…) sẽ có giá rất rẻ chỉ 1, 2 triệu đồng. Nhưng một chú chó Pomeranian có giấy VKA, hay nhập khẩu có giá tới hàng ngàn usd. Giá bán chó Phốc sóc phụ thuộc và nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là ngoại hình và nguồn gốc. Cụ thể:
- Trong cùng một đàn chó, chú chó nào có ngoại hình & gương mặt xinh xắn, bộ lông bông xù, màu mảng đẹp, độc lạ, mõm ngắn, bụ bẫm, chân to chắc khỏe sẽ có giá đắt hơn so với các bé “nhan sắc” bình thường, còi cọc hay thậm chí tật lỗi, nấm ghẻ… Chó Phốc sóc trắng & vàng là phổ biến nhất và có giá tương đối dễ chịu (chỉ từ 6-7 triệu/bé). Các màu hiếm như Blue Merle có giá không dưới 10 triệu đồng/bé. Chó Pom mặt cáo (mõm nhọn) cũng có giá rẻ hơn chó Phốc sóc mặt gấu (mõm ngắn, vuông) do được ưa chuộng hơn từ chú chó Boo, mặc dù hầu hết chó Pomeranian thuần chủng (kể cả chó tham dự Dogshow) trong suốt lịch sử đều là dòng mặt cáo.
- Chó Pomeranian có giấy của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) có giá không dưới 15 triệu đồng/bé. Các bé chó Pom nhập khẩu từ Thái Lan, châu Âu có giấy của FCI (Hiệp hội chó giống quốc tế), AKC (Câu lạc bộ chó giống Mỹ) có giá về Việt Nam không dưới 5.000usd, những chú chó có phả hệ Champion, Best in Show ở các Dogshow tầm cỡ quốc gia, châu lục, thế giới (Grand Champion) có thể có giá lên đến hàng chục ngàn usd. Nếu bạn chỉ nuôi chó Phốc sóc làm thú cưng, bạn đồng hành trong gia đình mà không có mục đích nhân giống, đi thi đấu thì một chú chó Phốc sóc thuần chủng không giấy VKA là một lựa chọn phù hợp. Vẻ đẹp của một chú chó không phụ thuộc vào việc có giấy hay không, mà đến từ chính ngoại hình của chú chó đó và cảm nhận của mỗi người (quan trọng là bạn có thích chú chó đó hay không?). Giấy VKA hay FCI chỉ cung cấp về nguồn gốc, phả hệ, không phải là một sự đảm bảo 100% về “nhan sắc”.
Ngoài 2 yếu tố chính kể trên, giá chó Phốc sóc còn phụ thuộc vào các yếu tố khác: như độ tuổi (chó Pom nhỏ sẽ có giá cao hơn trưởng thành, trừ trường hợp chó giống), chó Phốc sóc cái giá đắt hơn đực (do khả năng sinh sản), bảo hành (thời gian, bảo hành những bệnh gì?), giao nhận (tại nhà hay ở trại) cũng như các chế độ hậu mãi (tặng quà, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc…), cũng như uy tín của người bán.
Tổng kết
Những chú chó Phốc sóc Pomeranian xinh xắn, cute đã được cả hoàng gia và dân chúng yêu thích từ hàng trăm năm nay. Giống chó này được coi như bạn đồng hành lý tưởng cho mỗi gia đình. Với bộ lông tuyệt đẹp, lộng lẫy, gương mặt như một chú cáo con luôn vui vẻ, hoạt bát đã khiến cho chó Phốc sóc trở thành một trong những giống chó cảnh được ưa chuộng nhất trên toàn thế giới.
Ở Pomeranian, chủ nuôi sẽ nhận thấy phong thái uy nghiêm của một chú chó lớn trong hình hài nhỏ bé (không quá 3,2kg). Bộ lông kép 2 lớp dày với bờm như sư tử, cùng hơn 20 màu sắc và hoa văn khác nhau (phổ biến nhất là vàng và trắng). Là giống chó cảnh giác và rất thông minh, biết trông nhà tốt, nhưng đương nhiên không có khả năng bảo vệ. Nhìn chung, giống chó này khá dễ nuôi (trừ bộ lông đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận), không đòi hỏi vận động quá nhiều nên thích hợp với môi trường cả ở thành thị và nông thôn. Sau đây, Dogily.vn xin tổng kết các ưu điểm của giống chó này để bạn tham khảo, trước khi ra quyết định có nên chọn nuôi Phốc sóc không nhé?
Ưu điểm:
- Nhỏ nhắn, cực đáng yêu với bộ lông quyến rũ. Dễ dàng mang cún đi cafe và các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè (trừ lúc nắng nóng).
- Bé nhưng biết trông nhà tốt.
- Thông minh, trung thành.
- Thích nghi tốt với những ngôi nhà có diện tích nhỏ (chung cư, nhà phố), miễn là được vận động đầy đủ.
Nhược điểm:
- Không chịu được thời tiết nắng gắt.
- Không phù hợp với trẻ em quá nhỏ, chưa biết cách tiếp cận với cún.
- Đòi hỏi chăm sóc, chải chuốt lông cẩn thận (không dành cho người quá bận rộn, ít thời gian)
- Hơi bướng bỉnh và hay sủa.
Như tất cả các giống chó khác, khi bạn cân nhắc xem liệu chó Phốc sóc có phù hợp với lối sống, môi trường của mình và gia đình hay không. Bạn nên chắc chắn rằng mình đã nghiên cứu, hiểu rõ giống chó này trước khi quyết định mua chó Phốc sóc về nuôi. Vì nuôi một chú chó Pom là sự gắn bó có thể lên đến 15 năm nên bạn đừng quá vội vàng. Hãy tham khảo những người đã có kinh nghiệm nuôi chó, tham khảo nhiều cửa hàng, shop, trại nhân giống chó Phốc sóc, các trạm cứu hộ chó mèo, bác sĩ thú y trước khi quyết định mua một chú chó Phốc sóc.
Trên đây là bài viết tổng hợp của Dogily.vn về giống chó Phốc sóc Pomeranian (hay gọi tắt là Pom). Từ lịch sử, nguồn gốc, đặc điểm về ngoại hình, tính cách, tới cách nuôi & chăm sóc, huấn luyện cũng như sức khỏe, giá bán, nơi mua. Chúng tôi hy vọng những kiến thức trên sẽ mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích khi tìm kiếm một chú chó hoàn hảo cho gia đình mình.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết và hy vọng bạn sẽ theo dõi các bài viết thú vị tiếp theo của chúng tôi!
Chúc bạn luôn hạnh phúc, vui vẻ bên cún cưng và gia đình!
Tham khảo thêm các giống chó liên quan:
Câu hỏi thường gặp
Chó Phốc sóc có sủa nhiều không?
- Là giống chó cảnh giác cao nên chó Phốc sóc có xu hướng sủa khá nhiều. Tuy có thể sống tốt trong căn hộ chung cư tốt, nhưng tiếng sủa của chó Pom có thể sẽ ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh. Việc huấn luyện ngưng sủa trong tình huống này rất quan trọng.
Chó Pom có thân thiện không?
- Giống chó này rất thân thiện với người nhà. Nhưng chúng khá cảnh giác với người và chó lạ.
Có nên nuôi chó Phốc sóc không, nuôi chó Pom khó hay dễ.
- Như đã phân tích ở trên, chó Pom khá dễ nuôi, ngoại trừ bạn cần để ý hơn khi chăm sóc bộ lông, cũng như kích thước nhỏ của chúng dễ bị thương khi trẻ em không biết cách chơi đùa. Pom phù hợp với các gia đình có trẻ lớn hơn (khoảng trên 10 tuổi).