Chó Corgi

Corgi là giống chó chăn gia súc có nguồn gốc từ xứ Wales (vương quốc Anh). Thực ra có 2 dòng chó Corgi là: Cardigan Welsh Corgi và Pembroke Welsh Corgi, nhưng khi nhắc đến chó Corgi, đa số mọi người sẽ nghĩ đến dòng Corgi Pembroke. Giống chó này rất khỏe mạnh với tính cách ngọt ngào, vui vẻ và điểm đặc trưng nhất là thân hình dài và tứ chi ngắn cũn cỡn. Không đòi hỏi sự chăm sóc nhiều, Corgi luôn mang lại cho mọi người niềm vui và sự thích thú.

Giống chó Corgi dễ thương nổi tiếng với tính tình thân thiện, tình cảm, trung thành, hướng ngoại và rất thông minh, tinh nghịch. Chúng rất dễ thích nghi, hài hước và dễ bảo. Chính vì vậy, Corgi hiện là một trong những giống chó được ưa chuộng nhất trên toàn thế giới. Là giống chó làm việc, Corgi rất ưa vận động và cần được tập thể dục thường xuyên. Bản năng chăn dắt cũng làm cho Corgi luôn muốn “chăn dắt” các vật nuôi khác, hay thậm chí cả người.

Xem video chó Corgi chăn gia súc trong một nông trại ở Mỹ sau đây:

Khi chuẩn bị nuôi chó Corgi, bạn có thể xem xét nhận một chú chó từ các trạm cứu hộ để các bé có cơ hội có một ngôi nhà yêu thương. Nhưng nếu bạn muốn tìm một chú chó Corgi con, điều quan trọng nhất là tìm được một trại chó uy tín, có trách nhiệm với sức khỏe của cún. Những người nhân giống chuyên nghiệp sẽ chú trọng vào sức khỏe cả tinh thần và thể chất. Điều này đảm bảo giúp bạn lựa chọn được một bé Corgi con thuần chủng, khỏe mạnh và vui vẻ, cũng như góp phần đẩy lùi các hành vi nhân giống thiếu trách nhiệm (lai tạp, khai thác sinh sản quá mức hay làm giả giấy tờ, lừa đảo bán chó bệnh, tật, lỗi…).

Hình ảnh 2 chú chó Corgi con màu vàng trắng
Corgi chân ngắn là giống chó chăn gia súc có nguồn gốc từ xứ Wales (vương quốc Anh)

Thông tin tóm tắt giống chó Corgi

  • Chó Corgi của nước nào?: xứ Wales, Vương quốc Anh
  • Kích thước cơ thể: Corgi đực (cao:25,4-30,48cm, nặng: 11,34-13,608kg), Corgi cái (cao:22,86-27,94cm, nặng:9,072-11,34kg)
  • Nhóm chó FCI : chó làm việc
  • Chó Corgi sống được bao lâu : từ 12-13 năm
  • Bộ lông chó Corgi: 2 lớp, dày với các màu vàng trắng, tricolor, đen trắng
  • Tính cách: trung thành, tình cảm, vui vẻ, trung thành và thông minh, hướng ngoại
  • Nhu cầu vận động : từ 30-60 phút/ngày
  • Huấn luyện : hơi bướng bỉnh, nhưng khá dễ dạy dỗ.
  • Chải lông và chăm sóc: hàng tuần
  • Bệnh thường gặp: đục thủy tinh thể, loạn sản xương hông, teo võng mạc tiến triển (PRA)
  • Corgi là gì?: Trong tiếng Wales: Corgi nghĩa là con chó lùn (“Gi” là chó, “Cor” là lùn.
  • Người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất với giống chó Corgi là Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Bà được tặng chú chó Corgi đầu tiên (tên Susan) năm 18 tuổi (1944) và đã sở hữu tới trên 30 chú chó Corgi trong cả cuộc đời.
  • Chó Corgi lai: ngoài chó Corgi thuần chủng, tại Việt Nam và thế giới các chú chó Corgi lai cũng khá phổ biến. Như: Corgi lai Nhật, Corgi lai Poodle, Corgi lai Husky, Corgi lai Phốc Sóc, Corgi lai Bắc Kinh, Corgi lai Golden hay ít phổ biến hơn như Corgi lai Alaska, Shiba, Becgie, Chihuahua, Lạp xưởng, Pug… hay thậm chí Corgi lai chó ta, chó cỏ.

Pembroke Corgi và Cardigan Corgi

Giống chó này có 2 loại: Pembroker và Cardigan Corgi. Cho đến năm 1934, Câu lạc bộ chó giống Anh (Kennel Club) vẫn coi 2 loại này là một với tên gọi Welsh Corgi. Nhưng nhiều nhà nhân giống thời điểm đó coi đây là 2 giống chó riêng biệt. Điểm chung chúng có phần đầu, thân hình tương đối giống nhau với trí thông minh và kỹ năng chăn gia súc như nhau. Điểm khác biệt là dòng Cardigan có kích thước lớn và khung xương nặng hơn so với dòng Corgi Pembroke.

Với những người chưa có kinh nghiệm, điểm dễ phân biệt nhất là Cardigan Corgi thì có đuôi dài, còn Pembroke Corgi thì không có đuôi (do bị cắt từ nhỏ). Pem Corgi là giống chó nhỏ nhất trong nhóm chó chăn gia súc theo phân loại của FCI (Hiệp hội chó giống quốc tế). Cả 2 dòng chó Corgi cũng được AKC (Câu lạc bộ chó giống Hoa Kỳ công nhận chính thức). Tai của cả 2 giống đều dựng đứng, nhưng đỉnh tai của chó Corgi Pembroke nhọn còn Cardigan thì tron.

Pembroke Corgi và Cardigan Corgi trở thành 2 giống chó riêng biệt từ cuối thế kỷ 19, mặc dù chúng vẫn có sự giao thoa với nhau. Nhưng dòng Pembroke Corgi phổ biến hơn ở hạt Pembroke (tây nam xứ Wales), còn Cardigan Corgi xuất hiện phổ biến ở hạt Cardigan (miền Trung Xứ Wales) nhiều hơn.

Chó Corgi Pembroke có đuôi hay bị cắt theo tập quán hoặc quy định của luật pháp mỗi nước. Đa số Corgi Pembroke đều được cắt đuôi từ khi mới sinh. Nhưng ở một số nước như Vương quốc Anh, quê hương của giống chó này, việc cắt đuôi thẩm mỹ không được pháp luật cho phép. Tại Việt Nam, nếu muốn nuôi một chú chó Pembroke Corgi có đuôi, bạn có thể đặt trước khi sinh, người nhân giống sẽ lưu ý và giữ lại đuôi cho chó con.

Chó Corgi Cardigan
Hình ảnh một chú chó Cardigan Corgi màu Blue Merle hiếm và độc đáo

Điểm nổi bật

Giống chó Corgi có những điểm nổi bật sau đây:

  • Vui vẻ, thân thiện: Corgi luôn thích ở gần chủ và mọi người, vật nuôi khác và là giống chó đồng hành hoàn hảo cho mỗi gia đình.
  • Thông minh: giống chó Corgi rất khôn và thông minh nên chúng khá dễ huấn luyện. Corgi có thể học nhiều mức độ bài tập đa dạng và còn được sử dụng làm chó trị liệu cho người già cô đơn, người tàn tật.
  • Bản năng chăn gia súc mạnh mẽ: được lai tạo chủ yếu để chăn cừu, cho tới nay các bản năng này vẫn còn nguyên vẹn, chúng thích “chăn người” và các loài vật khác trong nhà.
  • Chân ngắn: bốn chân ngắn tạo cho Corgi vẻ ngoài đáng yêu, ấn tượng. Đặc biệt khi chúng nằm kiểu “Sploot” với bụng sát đất và chân dang rộng ra sau cực kì dễ thương.
  • Sự trung thành: giống chó này rất quấn chủ và gắn bó chặt chẽ với gia đình bạn. Mỗi khi thấy bóng hình quen thuộc, chúng luôn tỏ ra vui mừng đến mức phấn khích.

Tìm hiểu thêm về những kỹ năng siêu việt của Corgi trong một cuộc thi Dog Show của AKC (Câu lạc bộ chó giống Mỹ) sau đây:

Nguồn gốc, lịch sử

Chó Corgi có nguồn gốc từ xứ Wales, vương quốc Anh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có nhiều giả thuyết khác nhau về lịch sử của giống chó này. Có thể kể đến sau đây:

  • Ở châu Âu vào thời kì trung cổ, các vị vua, lãnh chúa thể hiện tôn nghiêm, quyền quý với dân chúng và sứ giả của các vương quốc khác bằng sự giàu có của mình. Những tấm thảm đẹp chính là vật trang trí sang trọng, đẳng cấp của hoàng gia, và những người thợ dệt thảm tài năng sẽ được săn đón. Năm 1107, vua Anh Henry I đã mời những người thợ dệt bậc thầy ở Flanders (nay là miền bắc nước Bỉ) đến định cư và làm việc ở xứ Wales. Họ đã mang đến quê hương mới những chú chó chân ngắn, khỏe mạnh được nuôi để chăn gia súc của mình. Chó Corgi xứ Wales ngày nay rất có thể là hậu duệ của những chú chó này.
  • Với những ai yêu thích truyền thuyết dân gian, Pembroke Welsh Corgi có nguồn gốc từ nơi ở của các nàng tiên. Một ngày nọ, có 2 đứa trẻ mục đồng đang chăn gia súc thì tìm thấy những chú cáo con. Thấy những con cáo con dễ thương nên 2 đứa trẻ đã quấn chúng lại và mang về nhà. Bố mẹ của bọn trẻ nhận ra ngay rằng đây là những chú chó con chứ không phải là cáo. Và những chú chó này là quà tặng của những nàng tiên để lại trên đồng cỏ. Các nàng tiên thường sử dụng chúng để kéo những cỗ xe, hay cưỡi chúng bay trên bầu trời. Họ cũng chỉ vào những mảng màu trên lưng chó và nói rằng đó dấu vết yên ngựa còn lưu lại. Những đứa trẻ rất hạnh phúc và quý mến “món quà” tuyệt vời này. Những chú chó lớn lên cùng bọn trẻ và trở thành những người bạn đồng hành thân thiết, cùng với trẻ em chăm sóc đàn gia súc (những tài sản quý giá nhất của gia đình).
  • Một giả thuyết khác cho rằng Corgi có thể là hậu duệ của giống chó Vallhunds (một giống chó chăn gia súc của Thụy Điển). Khi những người Viking xâm chiếm đảo Anh (thế kỷ 9, 10), họ đã mang theo những chú chó của mình.

Dù có lai lịch như nào, thì những người nông dân chăn gia súc trong lịch sử đã nuôi và lai tạo ra những chú chó có đặc điểm tốt nhất để phục vụ cho công việc của mình. Và đương nhiên, những người nông dân này hầu như không ghi chép hay lưu hồ sơ về giao phối và phả hệ. Mãi cho đến năm 1920, Câu lạc bộ chó giống Anh mới công nhận Welsh Corgi là giống chó thuần chủng. Tới năm 1934, Câu lạc bộ chó giống Anh mới tách Pembroke Corgi và Cardigan Corgi thành 2 giống khác nhau. Câu lạc bộ chó giống Mỹ (AKC) cũng tách Corgi thành 2 giống riêng biệt trong cùng năm 1934.

Tính cách chó Corgi

Ngày nay, chó Corgi không còn chăn cừu trên cánh đồng mà chủ yếu được nuôi làm thú cưng trong gia đình. Giống chó này được biết đến với tính cách vui vẻ, dễ thương và rất thông minh. Mặc dù thi thoảng chúng hơi bướng bỉnh và có cá tính độc lập.

Không khó để huấn luyện một chú chó Corgi vì chúng luôn muốn làm hài lòng chủ nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh từ bạn, chúng cũng có những suy nghĩ của riêng mình. Lúc này thức ăn và sự động viên, khen ngợi sẽ mang lại hiệu quả cao.

Do là giống chó lao động, Corgi rất ham ăn để tích trữ năng lượng cho một ngày làm việc vất vả. Vì vậy, chúng sẽ ăn liên tục và dễ bị béo phì nếu không có sự kiểm soát.

Corgi có khả năng canh gác, trông nhà tốt, chúng sẽ sủa ngay lập tức khi thấy người lạ hoặc điều bất thường có thể đe dọa tới gia đình và lãnh thổ của chúng. Như hầu hết các giống chó cảnh khác, Corgi cũng cần được huấn luyện xã hội hóa ngay từ khi còn nhỏ. Cho chó Corgi con tiếp xúc với nhiều trải nghiệm phong phú: người lạ, phong cảnh, âm thanh khác nhau. Điều này sẽ giúp cho chú chó Corgi của bạn trở nên toàn diện khi trưởng thành.

Sức khỏe và các bệnh thường gặp

Nhìn chung, giống chó này tương đối khỏe mạnh. Nhưng cũng như bất kì chú chó, hay giống chó cảnh khác, Corgi cũng dễ mắc phải một số bệnh di truyền nhất định. Tất nhiên, không phải chú chó Corgi nào cũng sẽ mắc một hay tất cả các bệnh này, nhưng bạn cần biết về các nguy cơ này nếu chuẩn bị nuôi chó Corgi. Nếu bạn đang mua một bé Corgi con, điều tối quan trọng là tìm đúng người nhân giống tốt. Họ sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ sức khỏe của cả chó bố mẹ và Corgi con. Sổ theo dõi tiêm chủng, giấy khám sức khỏe của một phòng khám thú y độc lập sẽ cho bạn biết chú chó có thực sự khỏe mạnh hay không? Sau đây là một số bệnh Corgi hay gặp phải:

  • Loạn sản xương hông: là bệnh di truyền, gây ra tình trạng khớp hông và xương đùi không khít nhau. Một số không có biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài, trong khi một số chú chó bị đau và cà nhắc ở chân sau. Cách để xác định chứng loạn sản xương hông chắc chắn nhất là chụp X-quang. Bệnh có thể tiến triển sang viêm khớp khi chó lớn tuổi. Tuyệt đối không được nhân giống các chú chó bị loạn sản xương hông. Bạn có thể yêu cầu người bán chó Corgi con cung cấp xét nghiệm xương hông bố mẹ chú chó không có vấn đề này.
  • Thoát vị đĩa đệm: do giống chó Corgi có thân dài, chân ngắn nên chúng dễ bị vỡ hoặc lệch đĩa đệm cột sống. Có thể chẩn đoán qua các dấu hiệu chó đi lại mất thăng bằng, bị đau khi lên xuống bậc thang, tứ chi bị yếu hoặc thậm chí bị liệt.
  • Thoái hóa tủy: các mô hỗ trợ tủy sống và mô thần kinh bị thoái hóa ở thân sau. Bệnh này khiến chó đi lại cà nhắc, yếu dần và dẫn đến chó bị liệt chân sau. Bệnh thoái hóa tủy thường bị chẩn đoán sai thành thoát vị đĩa đệm do các triệu chứng bệnh khá giống nhau.
  • Động kinh: nguyên nhân là do di truyền. Bệnh dẫn đến chó bị co giật từ nhẹ đến nặng (chạy như ma đuổi, đi đứng loạng choạng hay bỏ trốn), thậm chí là ngất xỉu, tứ chi cứng đờ và không ý thức được. Khi nhìn chó bị co giật trông rất đáng sợ, tuy nhiên, bệnh có khả năng chữa trị cao. Bạn cần đưa chó đi bác sĩ chẩn đoán là bệnh động kinh hay co giật do nguyên nhân nào khác để có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
  • Đục thủy tinh thể: đây là tình trạng thủy tinh thể ở mắt chó bị mờ đục, làm suy giảm thị lực. Bệnh thường xảy ra ở chó già, lớn tuổi. Có thể phẫu thuật để chữa trị.
  • Teo võng mạc tiến triển (PDA): là tình trạng võng mạc bị thoái hóa từ từ. Ở giai đoạn đầu tiên, chó sẽ bị mù vào ban đêm. Sang đến giai đoạn nặng hơn, chó sẽ bị mù hẳn.
  • Loạn sản võng mạc : võng mạc phát triển bất thường, thậm chí bị bong ra dẫn dến chó bị mù
  • Hội chứng Ehlers-Danlos: bệnh dẫn tới các mô liên kết trong da trùng, co giãn, các mạch máu cũng bị ảnh hưởng theo làm cho da bị bầm tím, tụ máu.
  • Cystin niệu: bệnh thường gặp ở chó đực. Nồng độ cystine (một loại protein) trong cơ thể cao, chất này được bài tiết qua đường tiểu và dẫn đến tình trạng sỏi tiết niệu.
  • Hở ống động mạch (PDA): là dị tật di truyền của hệ tim mạch, các mạch máu không mang oxy lên phổi. Bệnh thường phát hiện sớm ở chó Corgi con. Một trong những biến chứng của PDA là tăng áp phổi (điều trị bằng phẫu thuật).
  • Bệnh Von Willebrand: bệnh gây rối loạn máu dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng đông máu. Chó sẽ có các dấu hiệu bệnh như chảy màu mũi, chân răng. Nếu phải phẫu thuật hay sinh nở chó sẽ bị chảy máu kéo dài và khó cầm máu. Thường xảy ra khi chó Corgi trên 3 tuổi và không thể chữa dứt điểm. Mặc dù vậy, có thể điều trị triệu chứng bằng các đốt điện, khâu vết thương kết hợp với truyền đủ máu khi phẫu thuật.

Chăm sóc chó Corgi

Là giống chó chăn gia súc nhanh nhẹn và ưa vận động, Corgi cần được tập thể dục hàng ngày. Mặc dù vậy, giống chó này có thể sống tốt trong điều kiện căn hộ, nhà phố và biệt thự sân vườn, vùng nông thôn, quan trọng là Corgi được hoạt động đầy đủ cả về thể chất và tinh thần.

Với đặc điểm lưng dài, chân ngắn, bạn cần để ý không cho chó nhảy từ trên cao xuống, chúng dễ bị chấn thương. Giống chó này có thể sống ở bên ngoài trời do khả năng thích nghi tốt. Tuy nhiên, chúng rất quấn chủ, gần gũi với gia đình, vì vậy, bạn không nên bỏ lại chó một mình, chúng dễ bị stress dẫn đến sủa, cắn xé đồ đạc hay đào bới.

Mặc dù bộ lông của chúng có khả năng chống chịu thời tiết và thích nghi tốt với hầu hết các loại khí hậu, nhưng chúng rất thân thiện với con người và luôn muốn trở thành một phần của gia đình – không nên để chúng ở một mình trong sân sau.

Chó Corgi ăn gì, thức ăn nào tốt?

Cho chó Corgi con ăn từ 3-4 bữa/ngày, chó Corgi trưởng thành chỉ cần 2 bữa mỗi ngày . Nên cho chó ăn thức ăn hạt khô chất lượng cao theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất có ghi trên bao bì. Chất lượng thức ăn cho chó cũng rất quan trọng, thức ăn chất lượng cao chó sẽ cần ăn ít hơn. Quan trọng nhất vẫn là lượng calo đáp ứng đủ nhu cầu vận động hàng ngày của chó.

Khối lượng thức ăn của chó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hoạt động, khả năng trao đổi chất, kích thước, độ tuổi. Mỗi con chó sẽ có nhu cầu thức ăn khác nhau. Một con chó tích cực vận động sẽ cần nhiều năng lượng hơn một chú chó lớn tuổi, lười nhác.

Chó Corgi rất ham ăn và sẽ ăn thả cửa nếu bạn để thức ăn thừa cả ngày. Nếu không chó sẽ ăn một cách không kiểm soát dẫn đến béo phì, kéo theo các bệnh như tim mạch, tiểu đường, xương khớp. Bạn có thể kiểm tra xem chú chó Corgi của mình có béo không bằng cách khá đơn gian. Đặt tay lên lưng chó, ngón cái để trên xương sống, các ngón còn lại hướng xuống dưới dọc xương sống. Nếu bạn vẫn có thể chạm vào xương sườn mà không cần ấn mạnh thì chó vẫn cân đối, bình thướng. Nếu không, bạn cần điều chỉnh giảm lượng thức ăn và tăng thêm mức độ vận động cho chó.

Vệ sinh và chăm sóc bộ lông

Giống chó Corgi có bộ lông kép (2 lớp), với lớp lông ngoài dài hơn có tác dụng bảo vệ và lớp lông tơ bên trong để giữ ấm. Corgi rụng lông liên tục trong năm, chúng thay lông 2 lần/năm (thường vào mùa xuân và thu). Chiều dài của lông thay đổi ở mỗi bộ phận cơ thể (dài hơn ở bờm cổ, tai, ngực, bàn chân…). Một số chú chó Corgi có lông dài (Fluffy Corgi) sẽ cần chăm sóc lông nhiều hơn.

Lông chó Corgi rất dễ chải, nhưng do chúng rụng lông khá nhiều nên bạn cần chải lông thường xuyên hàng ngày cho cún. Tuy nhiên, bạn không cần tắm cho chó Corgi quá nhiều (khoảng 10-15 ngày/lần) hoặc khi chó quá bẩn.

Đánh răng cho chó hàng ngày là tốt nhất, nếu không 2 ngày/lần để loại bỏ cao răng, vi khuẩn, ngăn ngừa các bệnh về răng miệng và khử mùi hôi. Cắt móng cho chó 2 tuần/lần, hoặc khi bạn nghe tiếng lách cách khi chó di chuyển, trong trường hợp chó thường xuyên ở nhà, không mài móng tự nhiên. Lưu ý không được cắt phạm vào phần chân móng màu hồng với nhiều mạch máu sẽ làm Corgi bị chảy máu rất khó cầm. Đôi khi, chó sẽ hoảng sợ, giãy giụa khi thấy bạn dùng kìm cắt. Vì vậy, nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên tham khảo kinh nghiệm trên internet hay bác sĩ thú y, thợ spa chuyên nghiệp…

Kiểm tra tai chó Corgi mỗi tuần/lần để loại bỏ ráy tai, bụi bẩn và phát hiện các dấu hiệu bất thường (bỏ, mẩn ngứa, có mùi hôi…). Dùng dung dịch vệ sinh và bông chuyên dùng cho chó để làm sạch tai. Bạn chỉ nên làm sạch phần tai bên ngoài, không được nhét các vật dụng vào sâu trong ống tai. Tập cho chó Corgi con quen với việc được vệ sinh, chải lông ngay từ khi còn nhỏ 1,2 tháng tuổi. Điều này giúp chó coi việc chải chuốt, vệ sinh là một trải nghiệm thú vị, bạn nên khen thưởng, cho đồ ăn khi chó ngoan ngoãn nằm im cho chủ vệ sinh. Mỗi lần chải lông, bạn cần kiểm tra kỹ da và lông xem có các vết lở loét, nhiễm trùng, viêm da hay không? Mắt, mũi có bị ghèn rỉ, chảy dịch không? để có hướng xử lý sớm nếu chó gặp các vấn đề về sức khỏe.

Tai của chó cần được kiểm tra hàng tuần để xem có bị đỏ hoặc có mùi hôi không, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Khi bạn kiểm tra tai chó, hãy lau sạch tai bằng một cục bông gòn thấm chất làm sạch tai nhẹ nhàng, có độ pH cân bằng để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Không nhét bất cứ thứ gì vào ống tai; chỉ cần làm sạch tai ngoài. Bắt đầu cho chó Pembroke của bạn làm quen với việc chải lông và kiểm tra khi còn là chó con. Thường xuyên chạm vào bàn chân của chó — chó rất nhạy cảm với bàn chân của chúng — và nhìn vào bên trong miệng chó.

Hãy biến việc chải lông thành một trải nghiệm tích cực với lời khen ngợi và phần thưởng, và bạn sẽ đặt nền tảng cho các kỳ kiểm tra thú y dễ dàng và các cách xử lý khác khi chú chó trưởng thành. Khi chải lông, hãy kiểm tra các vết loét, phát ban hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, đau hoặc viêm trên da, ở mũi, miệng và mắt, và trên bàn chân. Mắt phải trong, không bị đỏ hoặc tiết dịch. Việc kiểm tra hàng tuần cẩn thận của bạn sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Quan hệ với trẻ em và vật nuôi khác

Corgi rất thân thiện và thích chơi với trẻ em. Nhưng chúng có 1 tật xấu do bản năng chăn gia súc là thi thoảng chúng hay cắn nhẹ vào chân, mắt cá của trẻ nhỏ. Hành vi này có thể được loại bỏ nếu chó Corgi con được huấn luyện ngay từ khi còn nhỏ.

Luôn dạy trẻ con trong gia đình biết cách tiếp xúc với chó. Luôn kiểm soát mọi hoạt động giữa chó và trẻ em để ngăn ngừa các hành vi không tốt từ cả 2 phía (cắn, kéo tai hoặc đuôi…). Trẻ em phải được chỉ dẫn không được tiếp xúc với bất kì chú chó nào nếu nó đang ăn hay ngủ, hoặc lấy đồ ăn của chúng đi khi chó đang ăn.

Tuyệt đối không để chó chơi với trẻ em trong nhà mà không có người lớn trông coi.

Nhìn chung, Corgi rất thân thiện và hòa đồng với chó mèo và các vật nuôi khác trong nhà miễn là chúng được huấn luyện xã hội hóa từ bé.

Tìm nơi mua bán chó Corgi con

Rất nhiều người mua giống chó Corgi mà hầu như chưa tìm hiểu gì về giống chó này. Chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình, tập tính, cách nuôi và chăm sóc xem chúng có phù hợp với gia đình bạn không. Sau khi đã biết rõ về giống chó này. Bạn có thể tìm kiếm trên Google Search “bán chó Corgi uy tín” hoặc “mua chó Corgi ở đâu?” tại Tphcm hay Hà nội hoặc bất kì tỉnh thành nào khác để so sánh, lựa chọn một nơi bán chó Corgi chất lượng và được khách hàng đánh giá cao.

Ngoài ra, có rất nhiều chú chó Corgi bị bỏ rơi, đi lạc cần tìm gia đình mới. Bạn có thể tìm kiếm “cứu hộ chó Corgi”, “trạm cứu hộ chó mèo” để tìm kiếm một chú chó ưng ý.

Nếu bạn vẫn muốn mua chó Corgi từ các cửa hàng, shop, trại chó Corgi. Thì việc lựa chọn một nhà nhân giống chó Corgi có trách nhiệm là điều quan trọng nhất. Những nhà nhân giống chó Corgi uy tín sẽ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của VKA (Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam), FCI (Tổ chức chó giống quốc tế) để tạo ra những chú chó Corgi con khỏe đẹp, thân thiện và trở thành chú chó gia đình hoàn hảo. Họ cũng sẽ sàng lọc các con giống chó Corgi đực, cái để phát hiện các vấn đề sức khỏe di truyền. Cũng như huấn luyện xã hội hóa cho chó Corgi con ngay từ nhỏ để sẵn sàng về nhà mới và tư vấn, hỗ trợ về cách nuôi, chăm sóc, phối giống, sinh sản và các vấn đề về sức khỏe trọn đời.

Khi tìm mua chó Corgi, bạn hay gặp các tin rao bán chó Corgi giá rẻ 200k, 300k, 500k đến dưới 1,2 triệu. Trong trường hợp này, bạn nên cẩn thận khi giao dịch vì đó rất có thể là lừa đảo online. Hoặc bán chó Corgi bị bệnh, tật lỗi lai tạp. Bạn cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin của người bán, rất nhiều người nuôi chó Corgi sinh sản chạy theo lợi nhuận, số lượng chó con hơn là nhân giống ra những chú chó Corgi con khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí đối xử khắc nghiệt, điều kiện nuôi nhốt tồi tệ với chó Corgi cái sinh sản, khai thác kiệt quệ sức khỏe của chó mẹ bằng cách cho đẻ liên tục. Nếu gặp những người bán chó Corgi như vậy, bạn nên tẩy chay ngay lập tức và tìm đến một nhà nhân giống uy tín, chuyên nghiệp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *