[Giải đáp] Các Loại Trăn phổ biến tại Việt Nam, có mấy loài?

Trăn thuộc lớp Bò sát, có họ hang gần với các loài rắn hiện đại. Kích thước của trăn thay đổi từ 50cm-10m nhưng đa số có cỡ trung bình và lớn. Ở phần cuối của thân, ngày phía trước hậu môn còn có di tích của đai hông và xương đùi mà một phần lộ rõ ra ngoài thành 2 cái cựa giống như cựa gà. Có hai phổi phát triển đầy đủ mặc dù phổi bên phải dài hơn bên trái (ở rắn chỉ có một phổi phải phát triển dài còn phổi bên trái tiêu giảm). Các xương hàm khớp lỏng lẽo với nhau và có khả năng cử động linh hoạt, nhờ đó trăn có thể há mồm nuốt được những con mồi rất lớn. Cả hai hàm đều có răng mọc hơi xiên, các rang phía trước dài hơn các răng nằm phía trong và không có móc độc. Hệ cơ thân rất khoẻ, được sử dụng để quấn và giết mồi. Số lượng đốt sống rất lớn, thay đổi từ 300-450 đốt. Màu sắc cơ thể thay đổi tùy loài nhưng thường là có những hoa văn hình mạng lưới ở mặt lưng tạo nên màu sắc ngụy trang giúp con vật có thể phục kích để rình mồi rất tài tình.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 22 giống, 80 loài, phân bố khắp các lục địa vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới từ miền đầm lầy Amazon châu Mỹ cho tới vùng sa mạc Trung Á.

Giống trăn (Python) gồm có 7 loài, là một giống phân bố ở châu Phi, Đông Nam Á quần đảo Mã Lai, Tân Ghi nê,Úc châu và là một giống gồm có nhiều loài trăn đẹp được các nhà nuôi bò sát cảnh rất ưa thích. Ở Việt Nam có 3 loài sau đây:

TRĂN ĐẤT (Python molurus Linnaeus) :

Dựa vào đặc điểm cấu tạo, màu sắc, kích thước và vùng phân bố, người ta chia thành hai loài phụ:

  • Python molurus molunis Linnaeus: có màu sáng, kích thước tối đa không quá 5m. Phân bố ở Ấn Độ, Nê Pal cho đến Xây Lan.
  • Python molurus bivitiatus Kuhl: có màu sậm, kich thước tối đa có thể đạt 8m. Phân bố ở Miến Điện, Malaka, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Cam Pu Chia, Sumbava, Gia va.

Trăn ở nước ta thuộc loài phụ thứ hai, sống phổ biến ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam. Tùy địa phương mà có những tên gọi khác nhau : Trăn đất, Trăn mốc (phía Bắc), con Tràn (phía Nam). Ở Minh Hải còn gọi là Trăn cá, Tràn nghệ (do có màu sắc óng ánh vàng).

Đặc điểm để nhận biết: Đầu hình tam giác tách biệt với thân rõ rệt. Có từ 11-13 vẩy môi trên, 2 vẩy đầu tiên có lỗ. Vẩy mõm có bề rộng lớn hơn bề cao. Có từ 16-22 vẩy môi dưới, 61-75 vẩy quanh thân, 256-270 vẩy bụng và 65-70 vẩy dưới đuôi. Kích thước có thể trung bình 4-6m, có thể đạt tới 8m.

Màu sắc: Lưng có màu nâu hung đến nâu sám với những vân sáng hơi vàng. Bụng màu trắng đục với những đốm nâu hay đen. Đuôi thay đổi từ màu vàng, cam đến đen.

TRĂN MẮT VÕNG (Python reticulatus Schneider):

Tên khác: Trăn gấm, Tràn hoa (phía Bắc). Ở Nam Bộ gọi là Con Nưa, một số nơi còn gọi là rắn hổ bướm, Trăn dây.

Phân bố : Trăn mắt võng tuy ít gặp hơn trăn đất nhưng lại có vùng phân bố rất rộng: từ Nam Miến Điện qua tới Đông Nam Á bao gồm cả Nam Trung Quốc, Đông Dương, đảo Sundai, Philipin và Indonesia.

Ở Việt Nam thường gặp trăn mắt võng ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc.

Đặc điểm để nhận biết: Đầu có hình tam giác hơi thuôn dài. Có từ 12-14 vẩy môi trên, 4 vẩy đầu tiên có lỗ. Vẩy mõm có chiều rộng bằng chiều cao. Có từ 22-23 vẩy môi dưới, 69-79 hàng vẩy quanh thân, 305-320 vẩy bụng, 88-97 vẩy dưới đuôi. Kích thước cơ thể trung bình 6m, có thể đạt tới 11m; cùng với trăn A-na-con-đa ở Nam Mỹ, trăn mắt võng là loài có kích thước lớn nhất trong các loài rắn hiện đại.

Màu sắc: Mặt lưng màu vàng hay nâu hung với những đường vân hình mắt võng. Bên hông có những đốm trắng hình tam giác xếp thành hàng dài. Bụng màu trắng ngà với những chấm đen.

TRĂN ĐUÔI CỤT (Python curtus Schlegel) :

Tên khác : trăn đầm lầy, trăn vá.

Phân bố : Người ta chia 3 loài phụ:

  • Python curtus curtus Schlegel: sống ở Malasia, Malaka.
  • Python curtus brongersmai Stull: sống ở Thái Lan.
  • Python curtus breitensteini Steindachner: sống ở Sumatra, Calimantan (Borneo).

Chúng tôi chưa rõ trăn đuôi cụt ở nước ta thuộc loài phụ nào vì rất hiếm gặp. Năm 1885, Tirant có sưu tầm được 2 mẫu ở vùng gần Sàigòn và từ đó tới nay không thấy tài liệu nào nói tới.

Đặc điểm để nhận biết: Có từ 10-11 vẩy môi trên, 2 vẩy đầu tiên có lỗ. Vẩy mõm cỏ chiều rộng lớn hơn chiều cao. Có từ 18-19 vẩy môi dưới, 53-58 hàng vẩy quanh thân, 160- 175 vẩy bụng, 28-32 vẩy dưới đuôi. Kích thước cơ thể khoảng 2m, tối đa không quá 3m.

Màu sắc : Lưng có màu nâu hay nâu đỏ. Có những đốm màu vàng cam ở phía trước hông có thể nối liền nhau thành một đường ở phía sau. Bụng hơi trắng đồng nhất hay có đốm nâu.

Đây là một trong những loài trăn có màu sắc đẹp nhất nhưng khó nuôi trong chuồng.

Bảng định tên các loài trăn ở Việt Nam

1. Có di tích chi sau thành cựa ở 2 bên khe huyệt, vẩy môi có lỗ 2
Không có di tích chi sau, hoặc có di tích chi sau nhưng vây môi không có lỗ Không phải trăn
2. Chỉ có 02 vẩy môi trên đầu tiên có lỗ 3
4 vẩy môi trên đầu tiên có lỗ Trăn mắt võng

(Python reticulatus)

3. Trên 50 vẩy dưới đuôi Trăn đất

(Python molurus)

Ít hơn 50 vẩy dưới đuôi Trăn đuôi cụt

(Python curtus)

Các lỗ nằm trong vẩy môi là cơ quan cảm giác nhiệt giúp cho Trăn có thể nhận biết được mồi là các động vật máu nóng. Nhiều người lầm tưởng là lỗ mũi của trăn. Ở nưa mỗi bên đầu có 4 lỗ, cộng thêm 1 lỗ ở giữa vẩy mõm để cho lưỡi có thể thò ra thụt vào là 9, vì vậy nhân dân cho rằng nưa có 9 lỗ mũi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *